Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của cả nước, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều lợi thế trong phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Địa phương này đặt mục tiêu có khoảng 920 doanh nghiệp CNHT ngay trong năm 2022.

Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu trong phát triển CNHT

Chiều qua (17/2), Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội bàn về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp tại Hà Nội. Cuộc họp nằm trong Chương trình thúc đẩy phát triển CNHT tại địa phương của Bộ Công Thương năm 2022.

{keywords}
Buổi làm việc giữa Tổ công tác của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp tại Hà Nội vào chiều 17/2.

Thông tin đến Cục Công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, TP. Hà Nội đã có những giải pháp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát;

Các chương trình hỗ trợ phát triển CNHT, khuyến công, sản phẩm công nghiệp chủ lực được Thành phố quan tâm và triển khai thực hiện từ rất sớm đã bước đầu có những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, CNHT tại địa phương chưa được hoàn thiện, nhất là các chính sách tín dụng, quy chế thực hiện Chương trình,… đặc biệt là thiếu nhân lực quản lý nhà nước về công nghiệp.

Công tác tổ chức, quản lý, điều hành việc triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô còn thiếu; quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, khả năng nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm còn hạn chế,…

{keywords}
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng chỉ ra những điểm mạnh cũng như tồn tại, hạn chế và hướng khắc phục để phát triển CNHT tại Hà Nội trong thời gian tới.

“Đề nghị Cục Công nghiệp phối hợp thực hiện Chương trình phát triển CNHT và tạo ra hệ sinh thái đủ lớn cho các doanh nghiệp trong ngành cùng phát triển. Hà Nội có lợi thế về công nghệ và về con người. Trong năm 2022, Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu, làm điểm để rút ra những bài học thành công và chưa thành công áp dụng cho các địa phương khác.”, ông Thắng nói.

Cũng trong buổi làm việc, đại diện Tổ công tác của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đã có một số số kiến nghị để Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực CNHT trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện và quản lý Chương trình trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương đề nghị TP. Hà Nội mà cụ thể là Sở Công Thương cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn cải tiến quy trình quản trị sản xuất, chuyển đổi số; tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến chế tạo tại TP. Hà Nội.

Ngoài ra, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công Thương trong việc tăng cường kết nối doanh nghiệp CNHT với các doanh nghiệp sản xuất hoàn chỉnh cũng như các chính sách hỗ trợ về tín dụng từ nguồn ngân sách địa phương là rất quan trọng.

Trong thời gian tới, hai cơ quan là Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội sẽ liên tục phối hợp chặt chẽ để triển khai Chương trình Phát triển CNHT TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025 một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

{keywords}
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và bà Lê Huyền Nga - Trưởng phòng CNHT (Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương)

Sớm có định hướng, mục tiêu cụ thể

Nhận thức được vị trí, vai trò của CNHT trong ngành công nghiệp Thủ đô, ngày 27/1/2022, UBND TP. Hà Nội đã sớm có kế hoạch “Chương trình Phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2022”, trong đó cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của "Chương trình Phát triển CNHT thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, TP. Hà Nội xác định ưu tiên, khuyến khích phát triển CNHT và nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Hà Nội, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Đồng thời thu hút, huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội.

UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2022 có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hằng năm tăng trên 11%.

{keywords}
Các doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội đang ngày càng lớn mạnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Để đạt được mục tiêu trên trong năm “bản lề” 2022 này, UBND TP. Hà Nội mà cơ quan trực tiếp thực hiện là Sở Công Thương ngay từ những ngày đầu năm đã phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan như Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và các đơn vị, doanh nghiệp trên trên địa bàn Hà Nội để cùng phân tích, đánh giá thực trạng, vạch ra mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Trong Chương trình phát triển ngành CNHT năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã đề ra giải pháp thực hiện và có rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể để phát triển CNHT trên cơ sở bám sát, đồng hành gắn bó với các doanh nghiệp.

Qua đó lồng ghép với các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến mạnh mẽ cho các doanh nghiệp CNHT được hưởng chính sách của Thành phố về lãi suất sau đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, khảo sát hợp tác với nước ngoài, nhận hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ,…

Hoàng Hiệp