Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương cho biết tính đến năm 2018, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo...

{keywords}
Bộ Công Thương sẽ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khả năng tài chính của doanh nghiệp yếu, vốn tự có thấp....

Nguyên nhân là do chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam.

Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được quy định trong Nghị định số 111/2015/NĐ - CP, nhưng chịu sự điều chỉnh của các Luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu...

Cơ chế về ưu đãi tín dụng, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa được cụ thể hóa… khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi. Dung lượng thị trường đối với nhiều ngành cơ khí và ô tô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Minh Đức