- Tăng chi phí đầu tư ban đầu mà giá trị đem lại gia tăng không đáng kể, chính vì thế các chủ đầu tư không lấy làm mặn mà với các quy chuẩn xanh. Một vài dự án đang được triển khai mới chỉ dừng ở hình thức thí điểm.

Hà Nội chưa có công trình đạt tiêu chuẩn xanh

Theo định nghĩa phổ biến trên thế giới, kiến trúc xanh được hiểu là các giải pháp đề xuất trên bốn lĩnh vực: giảm năng lượng sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm bên ngoài và làm tổn hại môi trường, giảm sử dụng năng lượng và tiêu hao tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm bên trong và tổn hại sức khỏe con người. 

Thiết kế công trình tốt hơn sẽ cắt giảm mức năng lượng và nước tiêu thụ, từ đó giảm chi phí điện nước hàng tháng cho cả chủ công trình và người sử dụng. Với cách hiểu đó, ở Việt Nam hiện nay không có nhiều công trình kiến trúc xanh. 

{keywords}
Các dự án BĐS mọc lên như nấm song vẫn không nhiều chủ đầu tư quan tâm tới vấn đề xanh

Trên thế giới có nhiều công trình đạt tiêu chuẩn xanh, song, dựa trên hệ thống công cụ đánh giá  Edge - được cho là đơn giản nhất - Việt Nam mới có 5 dự án ghi tên trong danh sách này, gồm 4 tòa nhà chung cư và 1 dự án văn phòng ở TP.HCM, Đà Nẵng. Tại Hà Nội, chưa có dự án nào đạt được tiêu chuẩn xanh.

Ngay tại TP.HCM, mới có một công trình kiến trúc được chứng nhận công trình xanh theo hệ thống đánh giá LEED của Mỹ, hai công trình được chứng nhận công trình xanh theo hệ thống Green Mark của Singapore. Đặc biệt, chưa có công trình nào đạt chứng nhận LOTUS của Việt Nam.

Thực tế, để thực hiện các dự án xanh đòi hỏi các chủ đầu tư phát sinh thêm nhiều yếu tố, trong khi thực tế, việc xây nhà bán vội để thu tiền đang diễn ra phổ biến. Hay, các dự án gắn mác xanh mới chỉ đạt một vài tiêu chuẩn.

Ông Vũ Linh Quang, Công ty Ardor Architect, chia sẻ, nhiều chủ đầu tư hiện nay không biết nhiều về các quy chuẩn này và tỏ ra e ngại do chưa quen với các loại vật liệu mới và chi phí đầu tư ban đầu tăng cao. Ông Quang đã phải mất 2 tháng để thuyết phục doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo ông Quang, các loại vật liệu sử dụng trong công trình xanh đều do các đơn vị nhập độc quyềnvề, chính vì thế xảy ra hiện tượng tăng giá, dẫn tới chi phí tăng cao. 

Chưa kể, các đơn vị nhà thầu cũng tỏ ra không thích thú với những công trình này. Khi chủ đầu tư áp đặt cắt hợp đồng họ mới chấp nhận thi công.

Ngay tại dự án đạt chứng chỉ xanh, vì mục đích lợi nhuận, chủ đầu tư chấp nhận chọn hướng nắng chỉ để quay ra mặt đường, dễ bán hơn so với việc thuận theo hướng gió. Theo phân tích của chuyên gia, nhiều tiêu chí xanh tại dự án này vẫn chưa đạt được.

Nhiều rào cản

Đại diện của Vụ Kế hoạch, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Công Thịnh cho rằng, thực tế, công tác quản lý sử dụng năng lượng trong DN xây dựng chưa được quan tâm đúng mức. Cơ quan quản lý nhà nước hiện nay vẫn chưa có đơn vị chuyên môn, ngay tại đơn vị này mới có hai cán bộ phụ trách kiêm nhiệm, còn tại các sở ở địa phương thì hầu như chưa có cán bộ thực hiện. 

Việc thực hiện các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, dự án xanh chủ yếu dựa vào ý thức tự nguyện của các chủ đầu tư. 

{keywords}
Các dự án đạt chuẩn xanh đếm trên đầu ngón tay

Theo ông Thịnh, hiện vẫn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính chưa tham gia vào các dự án như vậy. Các quy chuẩn xanh ở Việt Nam là tham khảo ở nhiều nước nên các doanh nghiệp muốn áp dụng cũng không biết tìm hiểu ở đâu.

“Các tòa nhà tiêu tốn tới 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam, nên việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các công trình xây mới là một đòi hỏi cấp thiết”, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định.

Việc tiết kiệm năng lượng cần phải được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ quy mô công nghiệp đến hộ gia đình, từ các công trình lớn như chung cư, bệnh viện, trường học, khách sạn, văn phòng,... cho tới khu dân cư. 

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC (WB), từ 1971 đến 2010, hiện mỗi năm mức tiêu thụ năng lượng của các công trình tăng gấp đôi, dự tính đến năm 2035 sẽ tăng 30% so với năm 2010. 

Trong vòng 6 năm tới, SGS Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 20% các công trình xây dựng mới tại Việt Nam, ước tính tương đương với khoảng 70.000 đơn vị nhà ở. Đến năm 2021, chương trình sẽ góp phần giảm 19.000 tấn khí nhà kính phát thải mỗi năm, tiết kiệm 43.500 MW/giờ điện năng tiêu thụ mỗi năm, tương đương 8 triệu USD.

Duy Anh