Thành công từ chuyển đổi số
“Với cách thức làm việc hiện nay, công ty rất khó kiểm soát hiệu quả công việc của nhân viên bán hàng”, ông Jung In Jeong, Giám đốc kinh doanh Miwon Việt Nam, chia sẻ. Đặc biệt, khi nhân viên nghỉ họ sẽ mang theo một lượng lớn khách hàng, gây ảnh hưởng rất nhiều đến công ty. Vì vậy, Miwon đã tìm kiếm một phần mềm vừa quản lý vừa hỗ trợ. Đến nay, doanh nghiệp đang sở hữu mạng lưới phân phối khổng lồ, với 200 đại lý cấp 1 cùng hàng chục nghìn điểm bán nhỏ lẻ khắp 63 tỉnh thành.
Tương tự, ông Võ Quang Nhân, Công ty TNHH công nghệ sinh học R.E.P, cho hay, sau 2 năm áp dụng công nghệ quản lý, công ty có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tăng 20%, thời gian xử lý vấn đề chỉ còn 1-2 tiếng. Số lượng điểm bán bán mỗi ngày tăng gấp đôi. Đội ngũ nhân viên thị trường nhận ra rằng, cách làm việc mới giúp họ kiểm soát tốt hơn công việc mỗi ngày, đẩy mạnh doanh số bán hàng.
Nhờ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Fabbi, một doanh nghiệp non trẻ về công nghệ, đạt doanh thu 4 triệu USD trong năm 202 nhờ tận dụng cơ hội dịch bệnh để cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các đối tác lớn tại Nhật Bản.
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu |
Tương tự, MobiWork phát triển thành công giải pháp quản lý phân phối MobiWorks DMS, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giám sát, tự động hoá, hoạt động bán hàng. Đây là giải pháp số hoá toàn bộ quy trình nghiệp vụ trong hệ thống phân phối, giúp doanh nghiệp có cái nhìn trực quan và chính xác hơn về thị trường khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
Theo khảo sát của Vietnam Expo, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhu cầu giao thương vẫn không ngừng tăng. Chính vì thế, Ban tổ chức hội chợ, trong một thời gian ngắn, vừa triển khai các hình thức giao thương mới, vừa kêu gọi các tổ chức/doanh nghiệp tham gia, bắt tay vào quảng bá xúc tiến thương mại nội địa và xuất khẩu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình, chuyển đổi số đang là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Thế giới đang chứng kiến một cuộc “chuyển mình” mạnh mẽ về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng với nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành.
Giải “bài toán” khó cho doanh nghiệp
Xu thế chuyển đổi số đang phát triển mạnh nhưng không hề dễ dàng, bởi việc hiểu thấu nền kinh tế kỹ thuật số và quá trình chuyển đổi là thách thức không nhỏ.
Khảo sát của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 cho thấy 61% doanh nghiệp “đứng ngoài cuộc”, 21% mới có hoạt động chuẩn bị ban đầu và 16/17 ngành được khảo sát có mức độ sẵn sàng thấp trong quá trình chuyển đổi số.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với 400 DN Việt Nam trong năm 2020, bốn rào cản chính trong chuyển đổi số với DN gồm: Thiếu thông tin về công nghệ số (30,4% DN trả lời); thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (32,3%), sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN (33,9%); thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (38,9%), chi phí ứng dụng công nghệ số cao (55,6%).
Về thực tế này, ông Lê Việt Cảnh, CEO của Công ty Fabbi, đánh giá, nhiều doanh nghiệp trong nước mới chỉ nghe về chuyển đổi số còn triển khai như thế nào vẫn gặp nhiều lúng túng.
Tận dụng cơ hộ trong chuyển đổi số |
“Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng họ không cần chuyển đổi số, mọi vấn đề có thể xử lý được trên giấy tờ hay file Excel. Tuy nhiên, họ cần phải xem xét định hướng phát triển trong tương lai, quy mô sắp tới thế nào. Nếu không xác định chuyển đổi số từ ban đầu, họ sẽ gặp rắc rối sau này”, ông cảnh báo.
Giống như các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Cảnh cho hay khi bắt đầu chuyển đổi số sẽ gặp một vài khó khăn, nhưng khi triển khai họ sẽ nhận thấy hiệu quả lâu dài, nhờ đó có động lực mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, các doanh nghiệp này cần có sự hỗ trợ của các công ty công nghệ chuyên về chuyển đổi số để được những tư vấn các bước đi tiếp theo.
Số liệu thống kê từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020 cho thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đối tượng này có nhiều lợi thế khi chuyển đổi số nhờ khả năng linh hoạt và thay đổi nhanh. Vấn đề quan trọng là nắm được cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, quy trình chuyển đổi của các doanh nghiệp lớn và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo.
Ông Hoàng Thế Anh, Giám đốc kinh doanh Mobiwork, góp ý, trước làn sóng chuyển đổi số như hiện nay, doanh nghiệp có thể bắt tay các đối tác trong lĩnh vực công nghệ để đi tắt đón đầu, có được những giải pháp hiệu quả nhất mà tiết kiệm chi phí và thời gian.
“Làn sóng chuyển đổi số hiện nay tạo hiệu ứng lớn, mỗi doanh nghiệp có một vai trò khác nhau. Họ có thể tham gia một công đoạn, một lĩnh vực, từ đó tạo hiệu ứng cho các doanh nghiệp bên ngoài có thể thấy được hiệu quả của chuyển đổi số, từ đó thay đổi tư duy và vận dụng vào công ty mình”, ông Thế Anh nói.
Theo ông, chuyển đổi số sẽ rất thuận lợi vì có rất nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt. Công nghệ, công cụ, ngôn ngữ lập trình nhân sự là giống nhau nhưng quyết định giải pháp chuyển đổi số thành công thuộc về các chủ doanh nghiệp. Giải pháp số phải đáp ứng từng nhu cầu kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp cụ thể. Từ đó, các chủ doanh nghiệp sẽ trang bị các gói công nghệ, cách thức áp dụng công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, xu hướng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các đối tác, tìm ra những giải pháp phù hợp. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp trong kỷ nguyên số”, Vietnam Expo kỳ vọng mang đến sự cộng hưởng và sức lan tỏa của chương trình “Chuyển đổi số quốc gia” được Chính phủ phát động, tạo ra diễn đàn kết nối cộng động doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng để gia tăng sức cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh, phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Có thể nói, chuyển đổi số là quá trình cần thiết và là câu chuyện không của riêng doanh nghiệp nào, mở ra cơ hội mới nhằm hội tụ nguồn nhân lực, tận dụng sự lan tỏa của kiến thức rộng lớn từ Internet, tận dụng thị trường mới, được cung cấp bởi nền tảng kỹ thuật số và khai thác khả năng sản xuất được kích hoạt. Từ đó, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia số nếu biết nắm bắt thời cơ để bứt phá.
Bảo Anh