Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra

Cây cam, quả vải lên sàn

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp cho phát triển cây ăn quả, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được biết đến là vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước. Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả của huyện không ngừng được mở rộng, đặc biệt là cây có múi. 

Hiện, Lục Ngạn có 28 nghìn ha cây ăn quả các loại; trong đó cây có múi gần 7 nghìn ha. Sản lượng cây có múi của huyện hàng năm khoảng từ 50 - 60 nghìn tấn. Riêng vụ thu hoạch năm 2020, sản lượng cây có múi ước đạt khoảng 63 nghìn tấn, tăng 7 nghìn tấn so với năm 2019.

Được mùa rớt giá và ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Cái khó ló cái khôn khiến các các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tìm cách vượt khó. 

Năm 2020, lần đầu tiên sàn thương mại điện tử dacsanlucngan.vn ra đời, đây là một bước tiến quan trọng đưa cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện tới khách hàng trong cả nước. Đơn hàng sẽ được doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ vườn có uy tín tiếp nhận và cung ứng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng và an toàn. Hoạt động này nhằm khởi động phong trào bán hàng trực tuyến tại địa phương, nâng cao uy tín, giá trị nông sản trên địa bàn.

{keywords}
Đặc sản địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử

Trước đó, câu lạc bộ Đặc sản Đồng Tháp đã bắt tay mở gian hàng “Đặc sản Đồng Tháp” trên sàn Tiki, giới thiệu đến người tiêu dùng gần 140 sản phẩm đặc sản của hơn 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến một số sản phẩm đặc trưng như trà lá sen, trái cây sấy, mứt trái cây sấy, hủ tiếu khô, khô, nước mắm, tinh dầu, nhang sen, nón lá sen…

Tương tự, Đồng Tháp cùng An Giang, Bến Tre, Cần Thơ cũng làm việc với các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon và Alibaba, hay các sàn trong nước như Tiki và Shopee để đưa đặc sản địa phương ra nước ngoài.  

Chương trình bán sản phẩm OCOP sẽ thực hiện đồng thời với chương trình chuyển đổi số của Chính phủ. Trước mắt, các sản phẩm hữu cơ như mít, dừa, đường thốt nốt, trái cây sẽ được đưa lên sàn. 

Tại Bến Tre, "Ngày của làng Dừa Bến Tre Online” thu hút sự quan tâm theo dõi của người tiêu dùng khắp nơi trong và ngoài nước. Doanh nghiệp ngành dừa đã tận dụng tốt cơ hội để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu, tăng doanh thu bán hàng, tạo được tiếng vang trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Bến Tre đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, rộng rãi trong doanh nghiệp và trong cộng đồng xã hội; thu hẹp khoảng cách giữa Bến Tre và các địa phương phát triển mạnh về thương mại điện tử.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 80% doanh nghiệp tại Bến Tre tham gia, có gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước; 80% website thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong tỉnh có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Xu hướng tất yếu

Là đơn vị sớm triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, bà Nguyễn Thị Bích Phượng - Giám đốc HTX thịt chua Thanh Sơn chia sẻ: Sau khi nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận ra muốn tiếp cận với số đông người tiêu dùng, ngoài cách thức quảng bá truyền thống cần tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các sàn giao dịch  để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm của mình. 

{keywords}
Hàng ngàn sản phẩm trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Năm 2020, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, các cửa khẩu xuất sang thị trường chính là Trung Quốc có lúc tạm đóng cửa dẫn đến sức mua chậm, giá cả xuống thấp. 

Thương mại điện tử  mở ra cơ hội để các sản phẩm, đặc sản địa phương hiện diện rộng khắp, không những tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp mà còn tạo thuận lợi cho người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp và Phát triển, Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, việc vận dụng nền tảng công nghệ để bán hàng và tiêu thụ hầu hết vải thiều Thanh Hà với giá 50 nghìn đồng/kg năm 2020 đã cho thấy rõ hiệu quả từ việc ứng dụng nền tảng công nghệ.

“Nếu sử dụng nên tảng công nghệ người tiêu dùng chỉ cần ngồi nhà có thể xem được hệ thống tưới tiêu, chăm sóc, bảo quản và đặt mua nông sản trên smart phone hoặc qua hệ thống máy tính thông qua camera theo dõi được lắp đặt tại vườn vải”, bà Lý nhấn mạnh.

Với những ưu thế nổi bật như nhanh, tiện dụng, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, thương mại điện tử có thể khắc phục được sự thiếu liên kết giữa các đơn vị trong chuỗi phân phối truyền thống. 

Đưa nông sản lên sàn là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trên toàn quốc, giảm bớt các khâu phân phối trung gian. 

Vì vậy đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Thống kê từ Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Bởi vậy, việc doanh nghiệp, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, cập nhật cách thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh online là xu thế tất yếu.

Ông Raz Mohamad, Giám đốc Khối doanh nghiệp nhỏ và thương mại của Cisco khẳng định, chuyển đổi số là cách để doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19. Công nghệ không chỉ giúp giải quyết một số thách thức lớn và phục hồi hoạt động, mà còn giúp duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

Hiện, Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Báo cáo mới nhất của DBT Center, trong 5-10 năm tới, 60% các doanh nghiệp sẽ bị đào thải nếu không chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Việc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản cùng người nông dân lên sàn góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống, đưa thương hiệu Việt tiến xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới.

Duy Anh