“Miếng mồi ngon” dụ nhà đầu tư

Giai đoạn 2017-2020, cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, song đến nay mới đạt 28% kế hoạch.

Tiến độ cổ phần hóa chậm, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, chỉ ra rằng là do các doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) có quy mô lớn như VNPT, Vinachem, TKV,  Mobifone, Agribank... có tình hình tài chính rất phức tạp, nhiều tài sản không nằm trong quy định của pháp luật để xác định giá trị, một số tài sản không thể định giá được, nhất là vấn đề đất đai.

Chẳng hạn, Tổng công ty Lương thực miền Bắc phải làm việc với 22 đơn vị đang sở hữu gần 250 mảnh đất tại 25 địa phương; Vinachem hiện có 2 đơn vị trực thuộc Công ty mẹ, 2 đơn vị sự nghiệp, 3 DN nắm giữ 100% vốn điều lệ, 21 đơn vị nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý nhiều đất đai tại các địa phương; Agribank có tới 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2 trên cả nước, nguồn gốc đất lại đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ,...

{keywords}
Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau CPH đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Rõ ràng, tình trạng cổ phần hóa chậm trễ một phần lớn là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Song, quá trình cổ phần hóa DNNN trên thực tế đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước - chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhìn nhận.

Ông Vũ Đình Ánh thẳng thắn, trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình cổ phần hóa.

“Nhiều trường hợp cổ phần hoá, doanh nghiệp tham gia cổ phần hoá chỉ vì đất, trong đó có những mảnh thuộc đất vàng, đất kim cương. Nhà đầu tư thường nhắm vào các DNNN đất đai đặc biệt ở các vị trí đắc địa”, ông Vũ Đình Ánh nhận xét.

Trong khi đó, những quy định mới có khả năng ngăn chặn các nhà đầu tư với mục đích đầu cơ đất đai khi tham gia cổ phần hóa và đảm bảo hoạt động giám sát sử dụng đất đai thường xuyên, công khai và minh bạch hơn lại ban hành chậm. 

Thực tế, qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề trong sử dụng đất đai, như vi phạm Luật Đất đai, bán tài sản gắn liền với đất không qua đấu giá; buông lỏng quản lý đất đai; nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng đất sau cổ phần hoá làm lãng phí nguồn lực đất đai, gây thất thu ngân sách, đồng thời làm giảm hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cơ quan này đã đề nghị xử lý tài chính gần 1.369 tỷ đồng, trong đó, các khoản tăng thu là gân 578 tỷ đồng; xử lý tài chính khác hơn 791 tỷ đồng và xem xét, thu hồi gần 7.592m2 và 3 thửa đất chưa xác định diện tích.

Ths. Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực XIII lấy ví dụ, tại tỉnh B. (tác giả giấu tên), theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm 31/12/2017 có 25 lô đất của các doanh nghiệp sau CPH sử dụng không đúng mục đích; có 14 lô đất không đưa vào sử dụng; 3 lô đất bị lấn chiếm; 3 lô đất đang tranh chấp; có 5 công ty cổ phần được UBND tỉnh giao đất để làm trụ sở văn phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng đã chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác; các công ty cổ phần cũng cho thuê lại toàn bộ diện tích đối với 26 lô đất và cho thuê một phần diện tích đối với 12 lô đất.

Chống thất thu hàng nghìn tỷ đồng

Gọi đó là “những kẽ hở và con số nhức nhối”, TS. Nguyễn Minh Phong ước tính, hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu ngân sách từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khi CPH.

Ông lấy ví dụ tiêu biểu là sự việc tháng 4/2018, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai khu đất hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với giá chỉ 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2, trong khi mặt bằng giá thị trường là không dưới 2.000 tỷ đồng.

{keywords}
Dự án Phước Kiển gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách

Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hoá tại các DNNN và Vai trò của Kiểm toán Nhà nước" sáng 24/11, ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho rằng quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình...

Theo ông Tiên, còn nhiều bất cập, tồn tại, tình trạng quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã đẩy mạnh công tác kiểm toán quá trình xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa, góp phần tích cực trong việc minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, phòng chống tham nhũng, chống thất thoát tài sản công...

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, cơ quan này đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp. Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định.

KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447 tỷ đồng; ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 2 công ty đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ sử dụng phương pháp tài sản, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản 15.684 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, khi kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp, KTNN đã thu về cho ngân sách nhà nước thêm gần 1.577 tỷ đồng.

Ngọc Hà