- Nhiều doanh nghiệp coi YouTube là một kênh truyền thông hiệu quả. Tuy nhiên, do không lường trước được nên nhiều nhãn hàng của họ đã chạy trên những video vi phạm quy định của pháp luật. 

Quảng cáo ở clip vi phạm

Theo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, nhiều thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam có những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo chạy trên YouTube. Các clip có nội dung xấu độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam như sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha,...

Đại diện truyền thông của Samsung cho biết, hiện Samsung vẫn đang chờ thông tin và hướng dẫn của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT). Một số nhãn hàng khác từ chối không có bình luận về vấn đề này.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp cho hay, họ không hề biết việc quảng cáo nhãn hàng, sản phẩm của mình bị gắn vào những video có nội dung xấu như trên.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các bộ phận để tìm hiểu sự việc. Nếu có thực trạng đó thì chúng tôi sẽ làm việc lại với đối tác quảng cáo trên những kênh này”, đại diện truyền thông của một doanh nghiệp cho hay.

{keywords}

Google 'ép' người dùng xem quảng cáo trên YouTube

Theo ông Vũ Công Học, Trưởng phòng marketing Công ty Truyền thông H.M, nhiều nhãn hàng tham gia quảng cáo trên YouTube do đây là kênh có số lượng người xem lớn, bằng cách chèn vào các clip. Do không kiểm soát được YouTube nên quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp bị gắn vào các clip vi phạm về nội dung.

Cơ chế quảng cáo của YouTube bao gồm nhiều hình thức. Loại quảng cáo ở trên cùng trang chủ của YouTube, khách hàng phải làm việc trực tiếp với Google để đăng tải. Hình thức thứ hai là quảng cáo dưới 30 giây và không dừng cũng phải thông qua Google.

Còn loại thứ ba, được nhiều doanh nghiệp áp dụng, là quảng cáo 5 giây chèn vào các clip, người dùng có thể bỏ qua. Đây chính là hình thức quảng cáo đang được nhiều nhãn hàng sử dụng.

Loại quảng cáo này, khách hàng chỉ cần dùng công cụ Google Adwords để đăng Video clip nhãn hàng lên và chạy dạng quảng cáo trên các video của YouTube. Khách hàng có thể lựa chọn độ tuổi người xem, sở thích người xem,... Tuy nhiên, do Youtube tự chạy nên có thể clip của một số nhãn hàng bị chèn vào các video có nội dung vi phạm.

Theo quy định của YouTube, trang web có chính sách chung cho tất cả các video, trong đó nếu người dùng cảm thấy một video có nội dung không phù hợp, họ có quyền gửi cảnh báo (report) cho đội ngũ của YouTube để xử lý. Các nội dung quảng cáo hiện được xếp theo cơ chế tự động, nếu cảm thấy không phù hợp, người dùng hay doanh nghiệp cũng có thể thông báo để gỡ bỏ.

Ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp

Đánh giá về việc các tên tuổi doanh nghiệp xuất hiện trên các clip vi phạm về nội dung, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng, nếu doanh nghiệp đồng tình hoặc bỏ mặc cho quảng cáo trên các clip như vậy thì đương nhiên là đã vi phạm pháp luật quảng cáo. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng họ bị ai đó lợi dụng chèn vào ngoài ý muốn.

Luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc Điều hành Công ty Luật TNHH Vega, phân tích, hiện pháp luật về quảng cáo của Việt Nam chỉ điều chỉnh đối với các hành vi quảng cáo được thực hiện tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc quảng cáo ở nước ngoài thông qua đơn vị quảng cáo ở nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

{keywords}
Quảng cáo trên các video clip vi phạm, doanh nghiệp có nguy cơ bị tẩy chay

Tuy nhiên, nếu hành vi vi phạm đó có dấu hiệu hình sự thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng các yếu tố cấu thành hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.

Dưới góc độ tư vấn truyền thông, ông Nguyễn Chí Thành, chuyên gia trong lĩnh vực này, nhận định, hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn ở Việt Nam cũng xuất hiện trên các clip như vậy sẽ gây tổn hại đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Họ còn bị thiệt hại vì một số người tiêu dùng chân chính sẽ nghi ngờ, thậm chí tẩy chay.

Với độ phủ rộng, lượng người xem lớn, YouTube đang được đánh giá là một kênh truyền thông được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đây là kênh quảng cáo rất hiệu quả. Lượng xem YouTube còn lớn hơn cả lượng xem tivi và các kênh truyền hình nên doanh nghiệp cần tận dụng.

Tuy nhiên, ông Tuyến cho rằng, doanh nghiệp quảng cáo hết sức cân nhắc lựa chọn mạng nội dung để thiết lập hiển thị quảng cáo cho phù hợp với ngành của mình nhằm hạn chế rủi ro. YouTube giống như một dạng kênh truyền hình và phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Ông Vũ Công Học tư vấn, với quảng cáo trên YouTube, khách hàng có thể chọn không hiển thị quảng cáo trên một số video nhất định. Tuy nhiên, cách này khá khó vì không thể biết hết được video nào có nội dung vi phạm. Cách thứ hai là dùng từ khoá lựa chọn video quảng cáo phù hợp.

Luật sư Trần Vi Thoại cho rằng, khi Bộ TT&TT xác định có thông tin vi phạm, YouTube nói chung và các trang mạng xã hội cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nói riêng phải có trách nhiệm xử lý thông tin vi phạm đó như gỡ bỏ video clip hoặc ngăn chặn không cho người dùng Việt Nam truy cập đến, cung cấp thông tin cá nhân và thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật Việt Nam khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Xét dưới góc độ pháp luật Việt Nam, YouTube là mạng xã hội nước ngoài có người dùng sử dụng và truy cập từ Việt Nam. Do đó, trong trường hợp YouTube có cung cấp dịch vụ hoặc có lượng truy cập từ người sử dụng tại Việt Nam từ 01 triệu lượt trở lên trong 1 tháng phải có nghĩa vụ báo cáo cho Bộ TT&TT và phối hợp với bộ này để xử lý thông tin vi phạm theo quy định của Thông tư 38/2016/TT-BTTTT.

Bên cạnh đó, ông Thoại cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam rất khó có thể quản lý và kiểm duyệt hành vi quảng cáo của người dùng trên YouTube. Tuy nhiên, nếu phát hiện có vi phạm Việt Nam vẫn có thể yêu cầu YouTube gỡ bỏ video clip hoặc ngăn chặnn không cho người dùng truy cập đến.

Trường hợp Youtube có đại diện thương mại tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ quảng cáo thì hoạt động này sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Do đó, việc quản lý quảng cáo của người dùng Việt Nam trên mạng xã hội nước ngoài là một thử thách lớn đối với các nhà quản lý.

Duy Anh