Bất ổn vì chính sách bất định

Phát biểu tại Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”,  ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Phap chế  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chất lượng của văn bản pháp luật có ảnh hưởng rất quan trọng tới năng lực cạnh tranh của DN.

Tham khảo từ các quốc gia khác và cơ quan chuyên môn, VCCI nhìn nhận một văn bản tốt phải có những tiêu chí sau: sự cần thiết của văn bản được ban hành; phù hợp với thực tiễn; không có sự chồng chéo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác; có tính khả thi, minh bạch; chi phí tuân thủ thấp; đảm bảo quyền tự do kinh doanh; thúc đẩy cạnh tranh; ngăn ngừa nguy cơ nhũng nhiễu và có thời hạn đủ dài để các DN yên tâm hoạt động.

{keywords}
Không ít văn bản pháp luật của Việt Nam ban hành nhưng không cho thấy sự cần thiết (ảnh minh họa)

So sánh đối chiếu với các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay, còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Không ít văn bản pháp luật của Việt Nam ban hành nhưng không cho thấy sự cần thiết; mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác; tính khả thi và minh bạch thấp; chi phí tuân thủ cao; hạn chế kinh doanh và dễ bị nhũng nhiễu,...

Năm 2018, Việt Nam ban hành 891 văn bản các loại, trong đó có 16 luật, 18 nghị định của Quốc hội, 169 nghị định của Chính phủ, 54 quyết định của Chính phủ, 50 thông tư của các bộ ngành. Tính bình quân cứ một luật có 10,5 nghị định và 37 thông tư. Nhiều đạo luật bàn hành rất thông thoáng, nhưng nghị định và thông tư lại không theo tinh thần của luật, gây khó khăn cho DN.

Các nhà đầu tư lo ngại, chỉ sau một đêm ngủ dậy, xuất hiện một văn bản pháp luật kinh doanh mới ban hành khiến hoạt động của họ không ổn định, gặp rủi ro, ông Tuấn nói.

Khảo sát của VCCI cho thấy, những khó khăn các DN nhỏ đề cập tới là tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, khách hàng,... Nhưng các DN lớn lại chia sẻ, khó khăn lớn nhất với họ là rủi ro về thay đổi chính sách và thủ tục hành chính. Sự ổn định về chính sách rất quan trọng. VCCI nhận được rất nhiều lời kêu than về một số văn bản pháp luật ban hành, hồi tố ngược lại 4-5 năm về trước, khiến DN đang hoạt động gặp bất lợi, khó khăn.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho mô hình kinh doanh mới còn bị động, lúng túng, thường dùng tư duy của mô hình kinh doanh cũ soạn ra văn bản pháp luật áp dụng cho mô hình kinh doanh mới, hoặc bỏ mặc, theo ông Tuấn.

Thua ngay tại sân nhà

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, thị trường mở cửa, nhưng DN trong nước lại bị trói ở khâu thực thi pháp luật, không tận dụng được cơ hội do hội nhập tạo ra. Quyền tự do kinh doanh đã được cải thiện, nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh thì chưa. Vì vậy mà nhà đầu tư không được bảo vệ. Càng hội nhập, DN càng thua ngay trên sân nhà.

Bất ổn kinh doanh không được ai bảo vệ, tòa án không phải là nơi bảo vệ cho tranh chấp nên rất rủi ro. Sửa luật hiện nay cũng chỉ giống như cắt ngọn, về cơ bản không giải quyết được tận gốc rễ vấn đề, ông Cung nhận xét.

{keywords}
Mặc dù chỉ số cạnh tranh của Việt Nam 2019 đã tăng 10 bậc nhưng vẫn thua xa các quốc gia trong khu vực (ảnh minh họa)

Luật còn chồng chéo mâu thuẫn nhau, trong khi sửa luật không đơn giản bởi các bộ ngành đều muốn giữ quyền của mình.

Chẳng hạn, Luật Đầu tư vừa chồng chéo vừa tạo ra rủi ro khó lường, thậm chí ngăn cản nhà đầu tư. Ví dụ: quy định đầu tư ra nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đầu tư do Nhà nước cấp. Có sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài, sau đó lập công ty và khởi nghiệp thành công rồi lên kế hoạch đầu tư về Việt Nam thì được hỏi giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đâu? Thế là chịu. Trong khi, giấy chứng nhận đầu tư này chỉ mỗi Việt Nam có, ông Cung dẫn chứng.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, chỉ ra rằng, chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam so với các nước khu vực tương đương nhau, nhưng chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam cao, khiến giá thành sản phẩm, dịch vụ cao khó cạnh tranh. Luật pháp tốt thì chi phí tuân thủ sẽ thấp.

Mặc dù chỉ số cạnh tranh của Việt Nam 2019 đã tăng 10 bậc, lên vị trí 67/141 nền kinh tế nhưng vẫn thua xa Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, không dám kể đến Singapore, ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát, cho biết, chính sách thuế có tác động sâu rộng không chỉ với đối tượng trực tiếp nộp thuế mà cả các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan, rồi tác động rất lớn tới nền kinh tế.

Chẳng hạn, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, không riêng người tiêu dùng và ngành công nghiệp nước giải khát bị ảnh hưởng, 21 ngành công nghiệp phụ trợ và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng bị ảnh hưởng theo.  

Bà Đào Hồng Dịu, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu thực phẩm, phản ánh, DN Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm như sữa, nước tương, tương ớt,... ra nước ngoài phải có Giấy chứng nhận lưu hành tự do và Giấy chứng nhận y tế.

Với Giấy chứng nhận lưu hành tự do, Bộ Công Thương chỉ cấp trong vòng 1 ngày và không mất chi phí. Trong khi, với Giấy chứng nhận y tế,  Bộ Y tế phải kiểm tra sản phẩm, thường mất 2 tuần và hết 3 triệu đồng. Sau khi có kết quả thì làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận, mất 2-3 tuần nữa với chi phí 1 triệu đồng. Tổng thời gian mất 4-5 tuần, sản phẩm có thể bị hư hỏng không xuất khẩu được.

Đáng nói là Bộ Y tế lại kiểm tra sản phẩm theo lô. Mỗi lô hàng sản xuất phải mang 1 mẫu đi kiểm tra, khi xin Giấy nhận để xuất khẩu thì phải có kết quả kiểm tra của tất cả các lô hàng.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản để người dân và DN có thể tham gia góp ý kiến, hạn chế tối đa việc áp dụng các thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, cần thiết phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế - xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra những hệ quả không mong đợi.

Trần Thủy