- Sức ép lên giá điện năm 2017 đang rất lớn khi các chi phí đầu vào như giá than, giá khí, tỷ giá đã tăng mạnh. Tuy nhiên, việc có tăng giá điện hay không hiện chưa được EVN và Bộ Công Thương quyết định đến tại thời điểm này.

Câu hỏi về giá điện năm nay sẽ tăng hay không tiếp tục được đặt ra trong buổi họp báo về giá thành kinh doanh điện năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 20/1.

Năm 2016, giá điện chưa điều chỉnh và tại thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương cũng như EVN chưa đặt vấn đề về việc quyết định tăng giá điện năm 2017. Đây là thông tin được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, bộ Công Thương cho biết. 

Tuy nhiên, các biến động về giá thành điện năm 2015-2016 đang gây sức ép lớn lên giá điện. 

Cụ thể ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, cho biết, năm 2015, giá than giữ ổn định, giá dầu giảm nhưng lại gặp khó khăn ở giá khí tăng, tỷ giá tăng và nguồn thuỷ điện sụt giảm.

Cụ thể, "nguồn thuỷ điện không đạt kế hoạch, sản lượng giảm tới 5,8 tỷ kWh. Do vậy, EVN phải bù từ nguồn nhiệt điện than và điện khí. Điều này ảnh hưởng đến giá thành điện, vì 2 nguồn điện này giá cao hơn thuỷ điện", ông Tuấn nêu.

{keywords}
Ảnh:

Sang năm 2016, giá than tăng tiếp ước tính tác động lên chi phí của ngành điện tăng thêm 4.600 tỉ đồng. Đây là sức ép chính làm tăng giá bán lẻ điện 2017. 

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, một khó khăn khác là xu hướng phát triển nguồn điện mới trong thời gian tới là thiên về nhiệt điện than, khí. Tỷ trọng các nhà máy điện than tăng dần trong hệ thống, chiếm tới 50% trong khi các nhà máy thủy điện lớn trong hệ thống sẽ tới giới hạn. 

Tuy nhiên, "giá nhiên liệu trong đó than chỉ là một yếu tố tác động. Nếu các diễn biến đầu vào khác thuận lợi thì chưa chắc phải tăng giá điện", ông Tuấn chia sẻ. 

Bổ sung thêm về áp lực này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, chia sẻ, năm 2015, tiêu chuẩn độ ẩm của than tăng từ 8% lên 8,5% theo quy định của Bộ KHCN nên chi phí của EVN tăng lên. Mỗi năm, EVN mất thêm 200 tỷ đồng tiền mua than do việc điều chỉnh tiêu chuẩn này.

Chưa kể, "EVN có tới 9.800 tỷ chênh lệch tỷ giá chưa đưa vào giá điện", ông Tri nhấn mạnh. 

Do vậy, áp lực lên giá điện sẽ lớn cho dù  nguồn điện chạy dầu và khí giảm trên 5.000 tỷ đồng do giá giảm.

Theo vị Phó Tổng giám đốc này, dù chênh lệch tỷ giá chưa được đưa ngay vào giá điện vừa qua, nhưng để tối ưu hoá hoạt động sản xuất kinh doanh, EVN đã trình các Bộ cho phép tự xử lý được 3.500 tỷ đồng. Theo chế độ kế toán, khoản chênh lệch lẽ ra sẽ phải hạch toán hết trong năm nhưng nếu đưa hết vào giá điện thì sẽ đẩy giá điện lên cao. Do vậy, EVN đã báo cáo Bộ sẽ hạch toán dần chênh lệch tỷ giá trong 5 năm khi có điều kiện thuận lợi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực bổ sung, tỷ giá USD/VND bình quân 2015 tăng 3,42% so với năm 2014.

"Hiện, EVN phải trả nhiều khoản chi phí bằng đồng USD hoặc tính theo tỷ giá USD. Ví dụ, nhiên liệu khí chủ yếu tính bằng USD, nhập điện từ Lào, Trung Quốc cũng phải trả bằng USD, mua điện từ nhà máy BOT như Mông Dương 2,... EVN tuy trả bằng VND nhưng phải theo tỷ giá USD tại ngày thanh toán. Do vậy mới dẫn tới con số gần 10.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá", ông Tuấn bổ sung.

Trả lời cho câu hỏi của báo chí, liệu EVN có đưa vào giá thành chi phí xây biệt thự, hồ bơi, sân tenis trong các công trình điện không, ông Tuấn cho biết, các khoản này đều sử dụng từ nguồn quỹ phúc lợi của EVN. Trong giá thành điện, tuyệt đối không có chi phí này.

Liên quan đến giá thành điện năm 2015, Bộ Công Thương cho biết, mức giá thành này vẫn cao hơn giá bán thực hiện được. 

Cụ thể, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 234.736,14 tỷ đồng nhưng doanh thu bán điện năm 2015 là 234,339,52 tỷ đồng. 

Chia theo sản lượng điện thương thẩm, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh nhưng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện được là 1.630,96 đồng/kWh. Như vậy, giá điện bán ra năm 2015 đã âm 2,78 đồng/kWh.

Nếu tính doanh thu bán điện trừ đi chi phí sản xuất kinh doanh điện bao gồm 4 khâu từ phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý,... thì lĩnh vực riêng về sản xuất kinh doanh điện trực tiếp vẫn âm 396.62 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ các hoạt động tài chính, bán công suất..., EVN đạt khoản lãi 2.133 tỷ đồng. Đây cũng có thể là lý do khiến cho năm 2016, Chính phủ yêu cầu ngành điện không tăng giá điện.

Phạm Huyền