Khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế

Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chiều 24/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối diện nhiều thách thức chưa từng thấy. Song, với nỗ lực của Chính phủ, của bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,65%; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm,...

Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,25 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, Bộ trưởng cho hay.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, chúng ta đã trải qua một năm đầy khó khăn do tác động của dịch Covid-29, thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên, với bản lĩnh, sự điều hành linh hoạt, chúng ta đã giành được những thắng lợi toàn diện, trong đó có ngành nông nghiệp.

{keywords}
Thủ tướng khẳng định, trong khó khăn ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế (ảnh: VGP)

Năm 2020, Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng 3% GDP, mức cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 541 tỷ USD, trong đó nông nghiệp xuất siêu 10 tỷ USD.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhờ thành công trong phòng chống dịch bệnh, thế giới rất ca ngợi Việt Nam. Thương hiệu Việt Nam đang lên rất nhanh, từ vị trí thứ 42 lên vị trí thứ 30.

Riêng với ngành nông nghiệp, Thủ tướng khẳng định, trong khó khăn ngành đã thể hiện vai trò đảm bảo an ninh lương thực, là trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia. Dịch Covid-19 khiến toàn thế giới lao đao, ở Việt Nam cứ về quê là yên ổn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, ngành nông nghiệp đã làm tốt vai trò trụ đỡ quan trọng để nền kinh tế phát triển bình thường và tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, ngành cũng đã thích ứng tốt với đại dịch, với những diễn biến bất thường của thiên tai. Sản xuất nông lâm sản được duy trì, đảm bảo nguồn cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cũng đã hoàn thành tốt 4 chỉ tiêu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.

"Tôi rất ấn tượng với những thành quả của xuất khẩu gạo trong năm 2020, giá gạo Việt Nam còn cao hơn Thái Lan, vượt Ấn Độ soán ngôi số 1 thế giới. Gạo ST25 tiếp tục đoạt giải Nhì tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, trong một năm bão chồng bão, lũ chồng lũ, ngành nông nghiệp đã vô cùng nỗ lực để giảm thiệt hại về người và tài sản nhờ công tác chỉ đạo điều hành đúng và trúng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất ấn tượng với các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Chỉ riêng trong năm 2020 đã có đến 17 dự án nhà máy chế biến được khởi công, đưa vào hoạt động. Qua thực tế, các doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp đều rất thành công.

Công tác phát triển, mở cửa thị trường được đẩy mạnh. Bộ NN-PTNT đã phối hợp tốt với Bộ Công Thương để xử lý, mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông nghiệp.

“Đặt 1 hạt giống xuống phải hỏi tiêu thụ ở đâu, thị trường nào chứ không thể sản xuất một sản phẩm mà thị trường không cần”, Thủ tướng nhấn mạnh.

{keywords}
Thủ tướng giao nhiệm vụ ngành nông nghiệp năm 2021 xuất khẩu nông lâm thủy sản phải đạt 44 tỷ USD

Tuy vậy, Thủ tướng chia sẻ "thấy mừng nhưng vẫn thấy lo" vì tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa bền vững do chịu cú sốc bởi thiên tai và dịch bệnh. Đặc biệt, dự báo cung - cầu vẫn là khâu yếu. Dẫn chứng từ bất cập giá thịt lợn tăng mạnh thời gian qua, Thủ tướng lưu ý làm sao Tết Nguyên đán này không để người dân phải mua thịt lợn giá cao.

Đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp

Giao kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phải biến nguy cơ thành thời cơ, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ thể chế để vươn lên. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm thị trường để ổn định đầu ra trước khi đặt vấn đề về sản xuất.

Theo Thủ tướng, GDP ngành nông nghiệp năm 2021 phải giữ được ở mức 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt trên 3%, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 44 tỷ USD.

“Có cơ chế chính sách, tín dụng thị trường để có nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng, chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, bởi nông nghiệp số là vấn đề đặt ra với mỗi hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp. 

Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, HTX để xây dựng chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp để phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Để thực hiện hội nhập và phát triển trong bối cảnh phát triển chung của kinh tế số và của cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, không thể để quên câu chuyện đào tạo cho người nông dân. Câu chuyện kinh tế số, thương mại điện tử trong nông nghiệp là công cụ và con đường rất hiệu quả để giúp nông dân Việt Nam rút ngắn khoảng cách trong chuỗi ứng thông qua các khâu phân phối.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp để thực thi các chương trình hành động của Chính phủ trong các cam kết hội nhập nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo cho người nông dân, đặc biệt liên quan đến kinh tế số, nền tảng số cũng như phục vụ cho liên kết với doanh nghiệp cũng như chuỗi cung ứng nói chung.

Bàn câu chuyện: "Tết Tân Sửu này, cả nước ăn gì, giá cả như thế nào?", Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân với giá cả hợp lý. 
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý người dân không tự ý chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết. Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về thành phố bán sẽ bị xử lý.

Tâm An