Sáng nay 8/5, Bộ NN-PTNT và Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội đã cùng tổ chức Họp báo công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Tại buổi họp báo, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, vào tháng 10/2010, Việt Nam và EU đã khởi dộng tiến trình đàm phán VPA/FLEGT. Hai bên đã chính chức đàm phán từ tháng 11/2011. Đến ngày 19/10/2018 tại Bỉ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Sebastian Kurz đã ký hiệp định VPA/FLEGT.
Ngày 15/4/2019, Hội đồng châu Âu đã gửi công hàm cho Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ, thông báo kết thúc quá trình phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam sau khi Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định. Chính phủ Việt Nam cũng đã có Nghị quyết số 25/NQ-CP phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU. Theo đó, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2019.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gõ đạt 9,3 tỷ USD |
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, EU là 1 trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ trọng điểm, đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Sau 8 năm đàm phán, hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, đánh dấu sự khởi đầu quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU cùng hợp tác chống khai thác gỗ bất hợp pháp và những hệ lụy của tình trạng này.
Sau khi triển khai hiệp định, uy tín của ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ tăng lên không chỉ với thị trường EU mà còn với các thị trường xuất khẩu khác, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường và xã hội.
Hiệp định được đánh giá sẽ góp phần đưa ngành chế biến gỗ và xuất khẩu gỗ trong 10 năm tới sẽ phát triển bền vững, có uy tín, có thương hiệu trên thị trường thế giới, trở thành một trong những ngành mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, mục tiêu của ngành này sẽ đạt kim ngạch từ 12-13 tỷ USD vào năm 2020, năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD, ông Trị cho hay.
Trước đó, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định việc tham gia Hiệp định, Việt Nam có cách làm chuyên nghiệp hơn, công khai, minh bạch và phù hợp với các công ước, tiêu chuẩn của quốc tế. Đây chính là yếu tố cấu thành giá trị ngành gỗ trong tương lai.
Khi tham gia Hiệp định này, Việt Nam còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn. Ví dụ, gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800USD/m3, song nếu áp dụng công nghệ cao giá thành sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm.
Cuối cùng, Hiệp định VPA/FLEGT đem đến cho ngành gỗ Việt thị trường vô cùng rộng lớn, không sợ ế hàng, không lo bị ép giá, ông Điển chia sẻ.
B.H