UBND TP Hà Nội vừa có thông báo về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP các nội dung thống nhất về ga ngầm C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo đó, UBND TP cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ Hồ Gươm).

UBND TP giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội để thống nhất giải pháp kết hợp việc triển khai dự án ga ngầm C9 với việc thực hiện quy hoạch tại khu vực trụ sở các Tổng công ty nêu trên, đảm bảo tính kết nối, sự đồng bộ, hài hòa và nâng cao hiệu quả của các dự án.

{keywords}

Hai vị trí lên xuống ga ngầm C9 đã được thống nhất. Ảnh: Hà Nội mới

Trên cơ sở đó, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng hợp, đề xuất báo cáo trước ngày 10/9/2016 để UBND TP mời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, làm rõ các nội dung có liên quan, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích tại Hồ Gươm.

Liên quan đến dự án này, trước đó, nhiều chuyên gia quy hoạch đã khuyến cáo không nên xây dựng đường sắt đô thị áp sát quá vào khu vực Hồ Gươm dù rằng việc xây dựng là cần thiết.

Từng trao đổi với PV, KTS Nguyễn Xuân Anh, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) chỉ rõ: "Cần phải giữ cho Hồ Gươm một không gian yên tĩnh, sở dĩ nơi này đẹp là vì không có quá nhiều người sử dụng, nên nếu xây dựng nhà ga lùi xa được độ khoảng 500m là rất tốt".

Theo mục đích của dự án, vị trí nhà ga đặt sát Hồ Gươm được cho là sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn di tích quanh hồ như tháp Bút, đền Bà Kiệu, đồng thời tạo điều kiện để hành khách tiếp cận thuận tiện các địa điểm văn hóa, lịch sử khu vực Hồ Gươm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, nếu muốn chứng minh được chuyện này thì phải dựa trên sự tính toán, có nghĩa phải được chứng minh bằng thực tế, lưu lượng người ra vào hàng ngày, có mấy vạn người, sức tải không gian bao nhiêu, cộng với sức tải hiện trạng thế nào?

Hiện nay, không có nhà ga mà vào thời gian cao điểm có lễ hội khu vực này đã chật cứng người, nếu phải tải thêm một lượng khách như vậy nữa, thì họ phải chứng minh đánh giá môi trường xã hội, môi trường chiến lược, sẽ cần chứng minh không gian đó tải được bao nhiêu thì mới nói đến được chuyện phục vụ du lịch.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, khi có một đề xuất mới về giao thông đi qua một đô thị thì việc rất quan trọng là nghiên cứu tác động xã hội, sau đó có chiến lược để đồng tiền nhà nước được đầu tư hiệu quả.

Nhiều khi xây một con đường mới, người hưởng lợi lại là ông chủ nào đó hai bên đường chứ không phải nhà nước. Nên ở đây phải làm rất kỹ giao thông kết hợp với sử dụng đất như thế nào, nhưng hiện nay đề xuất giao thông đang một mình một kiểu.

Còn chuyện bảo tồn sắc thái không gian này thì phải cần đến ý kiến của nhiều nhà bảo tồn phân tích. Bởi đây là câu chuyện liên quan đến nhiều lĩnh vực không chỉ là giao thông, mà còn là bảo tồn, thiết kế đô thị nên cần được chứng minh bằng những luận chứng cụ thể.

(Theo báo Đất Việt)