Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương ngày 7/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện tốt, đạt hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường; tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và thực hiện tốt việc giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp do tác động của Covid-19.

Công tác cải cách hành chính đi vào chiều sâu. Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, giảm được 880 điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tuy gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng dương; duy trì được sản xuất, xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

“Tôi được nghe báo cáo là 5 năm nữa, với đà tăng trưởng này và khả năng phát triển nguồn, chúng ta không thiếu điện”, Thủ tướng chia sẻ.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng, ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD.

Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng và các kết quả năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA (Hiệp định thương mại tự do) với 60 nền kinh tế.

Về vấn đề thương mại với Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: “Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại”.

Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Để “cỗ xe tam mã” này tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn, Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả tốt hơn năm 2020, tổ chức thực hiện tốt phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.

“Toàn ngành phải lo phục vụ Tết cho nhân dân, không để thiếu hàng hóa, nhất là vùng xa, các trung tâm lớn”, Thủ tướng nói. Cùng với đó, phải lo phòng chống Covid-19 thật tốt.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020, ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu được giao, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%. Đặc biệt, ngành tiếp tục nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước..

Kết thúc năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 - một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%.

Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới, với các sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các FTA đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...

Hà Duy

Việt - Mỹ sẽ giải quyết các quan tâm liên quan đến chính sách tiền tệ

Việt - Mỹ sẽ giải quyết các quan tâm liên quan đến chính sách tiền tệ

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với Ngoại trưởng Pompeo về việc Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam.