Vừa nhanh thoăn thoắt gắp những con tôm hùm nóng hổi rồi đóng hộp cho khách, anh Huy vừa cho biết, từ bé đến giờ, chưa khi nào nghĩ mình có duyên với mấy con tôm hùm như thế này, bởi chứng kiến sự vất vả của gia đình suốt những năm tháng tuổi thơ đã không ít lần khiến anh “ám ảnh”.

“Tuổi thơ của tôi với những con tôm hùm này cực quá. Nhà tôi nuôi tôm từ hồi tôi còn bé xíu, sáng nào cũng ra biển phụ ba mẹ cho tôm ăn, dãi nắng dầm mưa ngoài biển, tóc không cần nhuộm lúc nào cũng vàng hoe”, anh Huy nói.

{keywords}
Anh Huy và mô hình bán tôm hùm take away đầu tiên tại Sài Gòn.

Lớn hơn 1 chút, buổi sáng đi học, buổi chiều anh Huy lại lại xách búa, xách ván ra biển cùng ba đập lồng. “Hồi đó, nhà tôi nuôi tôm hùm bông, nuôi 12 tháng mới cho thu hoạch, mỗi lần thu xong thì lồng bị san hô, hàu đóng cứng ngắc. Tôi đứng bên ngoài, dùng hết sức nện búa vào chỗ ván bố tôi giữ phía trong lồng. Vừa mệt, vừa hôi hám vừa bẩn. Chưa kể tối tối lại tự mình chạy ghe ra bè trông coi mấy con tôm, xung quanh tối thui không có ánh đèn. Nhiều lần mưa gió, sóng đánh vào chỗ ngủ, nằm co ro chờ trời sáng, ướt nhèm nhẹp”, anh Huy bộc bạch.

{keywords}
Những con tôm hùm được anh Huy chọn lựa và chế biến cẩn thận, khách hàng chỉ việc đến và mang về thường thức.

Chính bởi những khó khăn từ việc nuôi tôm hùm mà sau này lớn lên, đi học rồi đi làm tại Sài Gòn, anh nghĩ sẽ không bao giờ nối nghiệp gia đình, làm gì cũng được miễn không bao giờ liên quan đến những con tôm hùm nữa.

Vừa học vừa làm nhân viên phục vụ tại sân bay, ra trường, anh Huy đã cố gắng và nỗ lực hết mình, qua 3-4 lần phỏng vấn để ứng tuyển vào vị trí lễ tân phòng chờ thương gia trong sân bay. Khi có được công việc mơ ước với mức lương khoảng 20 triệu đồng/ tháng nhưng bù lại là những công việc lặp đi lặp lại và bận rộn đến mức không có thời gian về thăm nhà.

“Lúc ấy, nhìn những con tôm hùm được bày bán tại nhà hàng với giá đắt đỏ lại khiến tôi nhớ ba mẹ, nhớ chòi canh tôm, nhớ vị mặn mòi của biển đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua. Tôi nghĩ, con tôm hùm quê mình rẻ quá, ngon quá nhưng ít người biết đến hoặc có biết thì người dân phải mua với giá rất cao. Thế là tôi quyết định nghỉ việc để đi bán tôm hùm tại Sài Gòn”, anh Huy kể.

{keywords}
Món tôm hùm duy nhất tại cửa hàng đó là tôm hùm hấp nhằm giữ được hương vị ngon nhất.
{keywords}
Anh còn tự chế biến 3 loại nước sốt đi kèm theo khẩu vị của từng khách hàng.

Giấu ba mẹ chuyện nghỉ việc tại sân bay, anh Huy tự mình đi thuê mặt bằng rồi bắt tay vào làm mọi thứ để mở cửa hàng bán tôm hùm vào đầu năm 2019. “Đến ngày khai trương cửa hàng ba mẹ tôi mới biết, lúc đó 2 người giận tôi lắm. Dần dần, thấy tôi làm ăn tốt, quán đông khách lại có cơ hội về quê nhiều hơn nên ba mẹ tôi hết giận”.

Chọn những con tôm hùm ngon nhất ở Cam Ranh sau đó chế biến, chặt đôi bán ra với giá chỉ từ 168 – 218.000 đồng/ con loại từ 0,2-0,4kg kèm nước sốt. Giá rẻ, tôm ngon lại là mô hình bán tôm hùm mang đi duy nhất tại Sài Gòn thời điểm đó nên lượng khách đông chóng mặt, anh Huy phải thuê thêm 3 nhân viên phụ giúp.

{keywords}
Cửa hàng có thể đạt doanh thu 50 triệu đồng/ ngày từ việc bán tôm hùm không giống ai.

“Tôi chỉ làm tôm hùm luộc mà không hấp, nướng hay xào nấu vì ở quê của tôi, dân nuôi tôm chỉ ăn tôm luộc để giữ lại hương vị thật nhất của tôm hùm. Tôm hùm được luộc đúng cách, đúng nhiệt độ, đúng thời gian mới giữ được hương vị thật của tôm và ngon nhất, vừa ngọt vừa dai và thơm mùi biển cả”, anh Huy cho hay.

Trung bình, mỗi ngày, từ 11h sáng đến 9 giờ tối, anh Huy bán được từ 30-40kg tôm hùm. Có những ngày đông khách đỉnh điểm, anh bán được cả tạ tôm, mang về doanh thu khoảng 50 triệu đồng.

“Tới thời điểm này tôi vẫn không thể tưởng tượng được tại sao ngày xưa mình liều thế. Dám từ bỏ công việc ổn định, lương cao ở sân bay để đi bán tôm hùm. Nhưng đổi lại, tôi thật sự cảm thấy vui và hài lòng với công việc hiện tại vì cảm giác mình vừa đem lại cái gì đó mới mẻ khi mang con tôm hùm đến với tất cả mọi người”, anh Huy cho biết.

(Theo Dân Việt)