Vòng xoáy tiền bạc đã khiến nhiều chủ tịch của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán rơi vào vòng lao lý như bầu Kiên, Hà Văn Thắm, Trương Quốc Dũng...
Điểm chung của các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán từng vướng vòng lao lý là được đề bạt khi tuổi đời khá trẻ.
Chủ tịch Dược Viễn Đông - Lê Văn Dũng
Năm 2010, cổ phiếu DVD của CTCP Dược Viễn phẩm Viễn Đông là một trong những hàng hot trên thị trường, khi có những chuỗi tăng điểm kéo dài, thanh khoản lớn, được các nhà đầu tư cực kỳ quan tâm.
Tuy nhiên, sự việc đã nhanh chóng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phơi bày, khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Dũng là người chủ mưu cùng một số người khác thao túng cổ phiếu DHT để nhằm thâu tóm CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT).
Đồng thời, ông Lê Văn Dũng cùng một số đối tượng lập ra nhiều công ty “ma” cho người thân trong gia đình và bạn bè đứng tên làm lãnh đạo. Thực chất mọi việc do ông Dũng chỉ đạo thực hiện để kinh doanh lòng vòng, làm giả các hợp đồng có giá trị lớn, cung cấp thông tin sai sự thật, doanh thu của DVD... để lừa đảo nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Dũng cũng trực tiếp chỉ đạo việc thao túng làm giá cổ phiếu DVD.
Ông Lê Văn Dũng sinh năm 1972, là người đầu tiên bị xử lý tội thao túng chứng khoán. |
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc. Ngoài ông Dũng thì em trai ông là Lê Văn Mạnh và bà Cao Hồng Vân - Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kiêm Kế toán trưởng DVD cũng bị bắt giữ.
Cuối năm 2011, ông Lê Văn Dũng bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên án 4 năm tù, ông Lê Văn Mạnh 2 năm tù. Đây được coi là vụ án điểm đối với tội danh thao túng chứng khoán kể từ khi thị trường chứng khoán ra đời tại Việt Nam.
“Đại án” bầu Kiên và đồng phạm tại ACB
Ngày 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB bị bắt, để điều tra liên quan tới các sai phạm trong hoạt động kinh tế tại 3 công ty con do ông làm chủ tịch Hội đồng quản trị (gồm Công ty đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội).
Sự kiện bắt bầu Kiên đã gây chấn động thị trường tài chính ngân hàng thời điểm đó. |
Cơ quan điều tra cũng xác định thường trực HĐQT của ACB đã ban hành chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, và uỷ quyền cho bị cáo Kiên trực tiếp làm. Chủ trương này được cho là trái quy định của nhà nước, khiến ACB bị thua lỗ gần 688 tỷ đồng.
Sự kiện bắt bầu Kiên đã gây chấn động thị trường tài chính ngân hàng thời điểm đó. Trên thị trường chứng khoán, hàng trăm cổ phiếu giảm sàn hết biên độ, thị trường hoảng loạn 3 phiên liên tiếp vào các ngày 21/8, 22/8 và 23/8/2012. Ước tính vốn hóa thị trường chứng khoán bị thổi bay 6,5 tỷ USD chỉ trong mấy phiên giao dịch trên.
Vụ án này được coi là đại án trong giai đoạn 2012 – 2014, tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và được sự quan tâm lớn của dư luận.
Năm 2014 sau phiên tòa sơ thẩm, tháng 12/2014, Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm với ông Nguyễn Đức Kiên tổng cộng 30 năm tù giam, nộp phạt 75 tỷ đồng trốn thuế, 100 triệu đồng tội lừa đảo.
Ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB bị tuyên án 8 năm tù, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang lần lượt bị tuyên án 4 năm tù. Ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch ACB 3 năm tù và ông Huỳnh Quang Tuấn bị tuyên án 2 năm tù.
Các nguyên lãnh đạo ACB bị tuyên án trên đều bị cấm giữ mọi chức vụ về ngân hàng, tài chính trong vòng 5 năm sau khi ra tù.
Đại gia Lê Văn Hướng bị bắt giam
Ngày 17/6/2015, ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP.Hà Nội khởi tố bị can về hành vi "lừa dối khách hàng" quy định tại điều 162 Bộ Luật hình sự.
Ông Hướng sinh năm 1976, giữ chức Giám đốc kiêm Chủ tịch JVC từ tháng 10/2010 đến thời điểm bị bắt giam. Trước khi biến cố xảy ra, ông là một đại gia nằm trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, với tài sản quy đổi lên tới 222 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Hướng trong ngày cổ phiếu JVC chào sàn chứng khoán. |
Sau khi ông Lê Văn Hướng rơi vào vòng lao lý, hoạt động kinh doanh của công ty bị xáo trộn, ban lãnh đạo thay đổi liên tục, nhiều hợp đồng lớn bị ngưng, cổ phiếu bán tháo, ngân hàng xiết nợ, thêm vào đó là hàng trăm tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi bị biến thành những khoản phải thu có nguy cơ không thu hồi được.
Tình hình này khiến JVC báo lỗ tới hơn 700 tỷ trong năm tài chính 2015. Hiện khoản lỗ lũy kế của JVC đã lên tới 1.000 tỷ đồng, sắp vượt qua vốn điều lệ và có nguy cơ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Hà Văn Thắm - Tập đoàn Đại Dương (OGC)
Ông Hà Văn Thắm, sinh năm 1972 tại Bắc Giang được biết đến rộng rãi trong giới tài chính, khi là Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – mã chứng khoán OGC) và Chủ tịch Ocean Bank.
Dưới thời của ông Thắm, OGC đã có hành trình tăng vốn đến chóng mặt. Thành lập năm 2007 với vỏn vẹn vốn điều lệ 10 tỷ đồng, sau 6 năm vốn tại OGC đã tăng tới 300 lần, lên 3.000 tỷ đồng.
Tháng 10/2014, ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Group (OGC) và Ocean Bank đã bị bắt vì Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Nhiều biến cố sau đó, đặc biệt là việc Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, đã tác động đáng kể đến tình hình tài chính của ngân hàng này.
Dưới thời ông Hà Văn Thắm, OGC đã có quá trình tăng vốn chóng mặt. |
Cũng kể từ khi ông Thắm bị bắt giam, cơ cấu sở hữu của Ocean Group đã có sự biến động mạnh. Một loạt doanh nghiệp liên quan đến ông Thắm phải bán giải chấp cổ phiếu OGC theo yêu cầu của ngân hàng.
Trịnh Xuân Thanh cùng thuộc cấp tại PVC
Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX).
Cơ quan này cũng đồng thời ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC), Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Phó tổng giám đốc Trương Quốc Dũng, ông Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng) về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. Tuy nhiên, do xác định ông Thanh bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với ông này.
Ông Trịnh Xuân Thanh và Trương Quốc Dũng thăm và chỉ đạo công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 năm 2011. Ảnh: PVV |
Việc ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận cùng thuộc cấp bị khởi tố do liên quan đến sai phạm trong thời gian các ông làm lãnh đạo từ 2007 – 2013 tại PVC. Trong thời gian này, PVC đã thua lỗ lên tới 3.262 tỷ đồng, các ông nêu trên phải chịu các trách nhiệm liên quan.
Trong số những tên tuổi bị bắt liên quan đến sai phạm tại PVC, ông Trương Quốc Dũng sinh năm 1982 tại Ninh Bình, là lãnh đạo một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán khi mới 25 tuổi.
Cụ thể, sau 3 năm làm chuyên viên tại Ban dự án Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), ông Trương Quốc Dũng chuyển về PVV với vai trò Tổng giám đốc khi chỉ mới 25 tuổi, và đảm nhận vị trí Chủ tịch PVV từ năm 2011. Mặc dù ông Dũng có rời ghế chủ tịch trong thời gian 2 tháng vào năm 2012 để giao cho bà Tô Linh Hương, nhưng tháng 7/2012, ông trở lại đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT PVV tới khi bị bắt.
Ông Dũng từng là một chủ tịch HĐQT trẻ tuổi nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2011 khi mới 29 tuổi.
Ngoài ra, thời kỳ thị trường chứng khoán đi vào trầm lắng sau giai đoạn bùng nổ những năm 2006 – 2008 thì nhiều công ty chứng khoán cũng rơi vào vòng xoáy tiền bạc, khiến nhiều lãnh đạo phải rơi vào vòng lao lý, tù tội. Như vụ bắt ông Lê Hồ Khôi - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tràng An, ông Phan Huy Chí – Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SME với tội danh lừa đảo và chiếm đoạn tài sản. Ông Hồ Hoài Nam – Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Trường Sơn bị bắt liên quan đến làm giả hồ sơ, chiếm đoạn tài sản...