Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục chịu những ảnh hưởng đáng kể của đại dịch Covid-19. Dù vậy, giới người giàu trong nước vẫn ghi nhận những thay đổi mang tính đột phá và tài sản nhiều tỷ phú vẫn không ngừng tăng lên.
Tháng 4, Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 và Việt Nam vẫn có 6 cái tên quen thuộc với tổng tài sản đạt 16,7 tỷ USD. Danh sách bao gồm ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương.
Tuy nhiên đến thời điểm 25/12, tổng tài sản của các đại gia này đã tăng mạnh lên đến 19,5 tỷ USD (tương đương tăng gần 3 tỷ USD so với thời điểm công bố chính thức). Kết quả này chủ yếu nhờ giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp liên quan tăng mạnh.
"Vua thép" đột phá
Hòa Phát là tập đoàn có sự đột phá lớn trong năm 2021 khi trải qua năm kinh doanh phát đạt nhất trong lịch sử hoạt động. Cổ đông lớn nhất là chủ tịch HĐQT Trần Đình Long theo đó cũng hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.
Với tài sản được Forbes công nhận đạt 3,1 tỷ USD, vị đại gia sinh năm 1961 đã kiếm thêm gần một tỷ USD trong năm tuổi của mình và vươn lên thành người giàu thứ nhì Việt Nam. Kết quả này chủ yếu nhờ cổ phiếu HPG tăng ấn tượng.
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu HPG có bị điều chỉnh nhưng vẫn ở mức khoảng 46.000 đồng, tương đương tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Giá trị vốn hóa theo đó đạt gần 206.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp có quy mô lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán và lọt top 15 công ty thép có vốn hóa lớn nhất thế giới.
Với tỷ lệ sở hữu hơn 26% vốn, giá trị cổ phần mà chủ tịch Hòa Phát nắm giữ vào khoảng 53.700 tỷ đồng. Ngoài ra vợ và con ông Long cũng sở hữu 8,9% cổ phần, tương đương với giá trị hơn 18.300 tỷ đồng.
Đà tăng giá của HPG có động lực lớn từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam liên tục báo cáo những con số kỷ lục về kinh doanh.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Hòa Phát lần đầu có doanh thu vượt 100.000 tỷ đồng và lãi kỷ lục 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó chính thức trở thành công ty có lãi cao nhất trên sàn chứng khoán.
Năng lực sản xuất của Hoà Phát cũng đã đạt 8 triệu tấn thép thô để vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và xuất hiện trong top 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu. Thị phần trong nước cũng tiến lên trên 32%.
Đây còn là năm bản lề của "vua thép" khi tiến hành tái cơ cấu mạnh các hoạt động kinh doanh; tập trung xây dựng 5 tổng công ty thành viên bao gồm gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp, bất động sản và điện máy gia dụng.
Hoạt động đầu tiên là việc dứt khoát bán mảng nội thất - lĩnh vực khởi đầu làm nên tên tuổi của Hòa Phát ngày nay. Người đứng đầu doanh nghiệp nêu quan điểm mảng nội thất đã hoàn thành xong sứ mạng lịch sử nhưng hiện tại đã khó cạnh tranh lại được với kinh tế gia đình, tiêu tốn nhiều nhân lực mà hiệu quả kinh tế không cao bằng các mảng khác.
Bỏ nội thất, Hòa Phát nhanh chóng gia nhập các mảng kinh doanh mới để mở rộng hệ sinh thái sản xuất của mình. Một trong số đó là mục tiêu sản xuất 500.000 container một năm, trở thành nhà sản xuất container đầu tiên tại Việt Nam và đồng thời tạo đầu ra cho hơn 1 tiệu tấn thép từ Dung Quất.
Hòa Phát cũng tiến hành lập tổng công ty về điện máy gia dụng với thương hiệu Hòa Phát và Funiki. Mục tiêu đặt ra là doanh thu từ hoạt động sản xuất mảng gia dụng đạt 1 tỷ USD vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất cả nước.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, "vua thép" cũng chơi lớn khi mua đứt mỏ quặng Roper Valley tại Australia, có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. Tập đoàn còn đang nghiên cứu mua thêm một số vị trí mỏ khác.
Và ấn tượng nhất là tham gia vào ngành bất động sản, mà theo tỷ phú Trần Đình Long chia sẻ là không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn sẽ phải đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản. Đại gia này gần đây liên tục ký hợp tác đầu tư nhiều dự án tại Cần Thơ và Khánh Hóa, phát triển mạnh bất động sản khu công nghiệp tại Hưng Yên...
Masan và Techcombank lãi đậm
Nói về bứt phá thì bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang cũng tỏ ra không kém cạnh, kiếm thêm một tỷ USD/người trong năm qua. Hai vị doanh nhân đều đang sở hữu lượng lớn cổ phần ở các công ty chủ chốt là Masan Group (MSN) và Techcombank (TCB).
Tại Techcombank, ông Hồ Hùng Anh là chủ tịch HĐQT nắm giữ trực tiếp 39,3 triệu cổ phiếu TCB và ông Nguyễn Đăng Quang là phó chủ tịch HĐQT nắm giữ 9,4 triệu cổ phiếu. Còn tại Masan Group, hai đại gia sở hữu chung các pháp nhân (Masan và Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu tổng tỷ lệ 44,66% cổ phần MSN), qua đó gián tiếp nắm giữ lượng lớn cổ phần MSN.
Cổ phiếu TCB đã tăng gấp rưỡi kể từ đầu năm lên 48.900 đồng, đưa quy mô vốn hóa đạt gần 172.000 tỷ đồng. Cổ phiếu MSN thậm chí còn tăng ấn tượng hơn với 94%, lên đỉnh lịch sử 171.000 đồng, đưa quy mô doanh nghiệp vượt 200.000 tỷ đồng và lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán.
Bộ đôi cổ phiếu MSN và TCB tăng mạnh kể từ đầu năm đến 25/12. Đồ thị: TradingView. |
Nhờ đó giá trị cổ phiếu của ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang cùng vượt qua con số 44.000 tỷ đồng, lần lượt là người giàu thứ 3 và 4 trên sàn. Đương nhiên, đây chỉ là phần tài sản trên sàn chứng khoán, bởi các cá nhân này còn sở hữu nhiều tài sản lớn khác vẫn chưa được công khai trên thị trường.
Techcombank là ngân hàng tư nhân trong top đầu thị trường, đứng gần ngang hàng về lợi nhuận với đơn vị đầu ngành Vietcombank. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của nhà băng này đạt trên 13.700 tỷ đồng, tăng 60% với lợi thế vốn rẻ duy trì nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn chiếm gần phân nửa.
Trong khi Masan Group cũng đang ăn nên làm ra do các mảng kinh doanh quan trọng không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch. Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đạt hơn 64.800 tỷ đồng và đạt gần 3.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 268% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021 cũng là đợt tái cấu trúc bản lề của Masan Group khi tập trung tích hợp dịch vụ bán lẻ đa tiện ích "Point of Life". Hiện khách hàng của Masan có thể mua sắm hàng thiết yếu tại Wincomerce, đồng thời dễ dàng mua dược phẩm tại Phano, nhận dịch vụ tài chính cơ bản của Techcombank, thức uống của Phúc Long hay hòa mạng di động mới Reddi...
Chiến lược tích hợp bán lẻ bước đầu thành công đã giúp Masan thu hút mạnh vốn đầu tư vào các công ty con, trong đó riêng The CrownX (đơn vị quản lý mảng bán lẻ tiêu dùng) thu hút nhiều tập đoàn nước ngoài rót vốn và đưa định giá tăng mạnh lên 8,2 tỷ USD. Lãnh đạo tập đoàn còn có ý định IPO công ty con này trên thị trường chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024.
VinFast chơi lớn ở nước ngoài
Người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng không có nhiều đột phá về tài sản trong năm khi Forbes tính toán ông có khoảng 7,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với đầu năm. Ông lần đầu xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes từ năm 2013 với con số lúc đó chỉ 1,5 tỷ USD.
Về mặt kinh doanh, hệ sinh thái đa ngành Vingroup (VIC) - nơi ông Vượng làm chủ tịch HĐQT - tiếp tục gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngoại trừ mảng bất động sản vẫn là động lực tăng trưởng thì các mảng còn lại như cho thuê mặt bằng, du lịch, bệnh viện, giáo dục, sản xuất... đều sụt giảm.
Tính chung 9 tháng đầu năm, Vingroup báo cáo doanh thu thuần tăng 22% lên 90.848 tỷ đồng. Chi phí cao khiến lợi nhuận sau thuế giảm 39% về mức 1.726 tỷ đồng và mới hoàn thành 38% kế hoạch năm.
VinFast của ông Phạm Nhật Vượng bắt đầu "cắm cờ" trên đất Mỹ. |
Dù vậy, năm 2021 cũng chứng kiến sự đột phá trong lĩnh vực sản xuất khi tập đoàn tập trung cao độ cho VinFast, ra mắt nhiều dòng xe điện mới và bắt đầu tấn công thị trường nước ngoài. VinFast cũng đang tích cực chuẩn bị IPO tại sàn chứng khoán Mỹ, điều này được kỳ vọng giúp định giá của VinFast nói riêng và Vingroup nói chung có những thay đổi lớn trong thời gian tới.
Còn ở hiện tại, định giá cổ phiếu VIC trên thị trường Việt Nam không có nhiều thay đổi khi đứng ở mức 96.500 đồng/cổ phiếu, đi ngang so với thời điểm đầu năm. Dù vậy đây vẫn là doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán với con số hơn 367.200 tỷ đồng.
Người đứng đầu Vingroup đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp gần 2,16 tỷ cổ phiếu VIC với giá thị trường hơn 208.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) cũng đang nắm giữ gần 170 triệu cổ phiếu với giá thị trường gần 16.400 tỷ đồng.
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cũng không có nhiều biến động về tài sản trong năm qua khi duy trì mức 1,6 tỷ USD. Ông và gia đình sở hữu hơn 70% vốn Thaco - một công ty chuyên về lắp ráp ôtô chưa niêm yết nên khó xác định được biến động tài sản và các khá hạn chế về thông tin hoạt động.
Tỷ phú USD cuối cùng - bà Nguyễn Thị Phương Thảo - là người duy nhất bị suy giảm tài sản trong năm qua. Nữ doanh nhân đang đảm nhận vai trò CEO Vietjet, chủ tịch Sovico và phó chủ tịch HDBank được Forbes tính toán còn 2,5 tỷ USD, giảm hơn 10% so với đầu năm.
Điều này là dễ hiểu khi các công ty hàng không trên thế giới đang chịu tác động lớn nhất từ đại dịch, nhiều hãng thua lỗ lớn và thậm chí còn phá sản. Trong đó, Vietjet dù duy trì được kết quả khả quan so với mặt bằng chung vẫn khá khiêm tốn.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietjet (VJC) ghi nhận doanh thu tiếp tục sụt 26% chỉ còn hơn 10.200 tỷ đồng. Nguồn thu lớn từ hoạt động tài chính giúp doanh nghiệp có lãi trở lại 194 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 924 tỷ). Tuy nhiên con số lãi này khá khiêm tốn bởi lợi nhuận trước đại dịch của công ty từng đạt đỉnh trên 5.000 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó HDBank (HDB) lại có tăng trưởng, ngân hàng này ghi nhận tổng doanh thu hoạt động tăng 24% lên 12.130 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm theo đó tăng 39% lên mức kỷ lục 4.864 tỷ đồng.
Cá nhân bà Thảo đang nắm giữ trực tiếp gần 75 triệu cổ phiếu HDB, đồng thời nắm giữ trực tiếp và gián tiếp gần 241 triệu cổ phiếu VJC. Tổng giá trị cổ phiếu mà nữ tỷ phú đang có khoảng 32.000 tỷ đồng, rơi xuống vị trí thứ 7 trong top người giàu trên sàn chứng khoán.
(Theo Zing)
Top tỷ phú giàu nhất Việt Nam: Có người tăng gấp đôi tài sản bất chấp dịch
Theo cập nhật mới nhất từ Forbes, tổng tài sản 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam tính đến ngày 23.12.2021 lên tới 19,5 tỉ USD. Trong đó, có những tỷ phú nâng tài sản lên gấp 2 lần chỉ sau chưa đầy 2 năm.