Từ đầu năm 2016 đến nay, lúc nào trong trang trại cũng có 1 nghìn con chim đẻ, mỗi ngày thu từ 10-16 kg chứng...

Triệu phú nuôi chim cút

Tốt nghiệp Khoa Tài chính – Ngân hàng thuộc Học viện Tài chính, thế nhưng Mông Thanh Tú, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã quyết định cầm tấm bằng Đại học về quê nuôi chim cút, với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

{keywords}

Anh Mông Thanh Tú (áo đen) giới thiệu về mô hình.

Sinh ra và lớn lên trên miền quê núi đá, không nằm ở trung tâm thị trấn nên gia đình Tú sở hữu một mảnh đất khá rộng, cả nhà ở và vườn khoảng 6.000 m2. Nhà Tú chỉ có hai mẹ con nên cuộc sống rất khó khăn.

Mong cho con trai lớn lên không phải vất vả nên mẹ Tú đã động viên con thi vào Học viện Tài chính. Thương mẹ lam lũ lo toan cuộc sống nên Tú đã chăm chỉ học tập, đồng thời xin làm thêm ở các ngân hàng thương mại trong TP Hà Nội để bớt gánh nặng chi phí học tập cho mẹ.

Mặc dù vẫn quyết tâm theo học để lấy bằng đại học, thế nhưng trong suốt thời gian theo học, Tú luôn nung nấu ước mơ về quê làm giàu. Tú chia sẻ: “Với chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng về quê xin việc khó, nhưng nếu ở lại Hà Nội thì mình có thể xin đi làm ở nhiều công ty với mức thu nhập ổn định. Thế nhưng nghĩ mẹ ngày một già yếu, lấy ai chăm sóc mà đất vườn nhà mình rộng, bỏ hoang phí lắm”.

Với suy nghĩ đó, trong 4 năm học Tú đã đi nhiều nơi, vừa để thăm gia đình bạn bè cùng trường, đồng thời tìm đến các mô hình kinh tế cho thu nhập cao để học tập. Tú vô cùng tâm đắc với mô hinh nuôi chim cút ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

4 năm đại học dần trôi qua, năm 2015 Tú tốt nghiệp ra trường. Mặc dù mẹ Tú luôn động viên là tìm việc làm dưới Hà Nội nhưng Tú đã thuyết phục mẹ để được về quê đầu tư xây dựng mô hình nuôi chim cút.

Do không có vốn, mẹ Tú đã đứng ra vay vốn ngân hàng, đồng thời kết hợp với một người bạn thân cùng chung vốn để xây dựng chuồng trại. Tháng 11/2015, Tú bắt tay vào làm, ban đầu nuôi 1 vạn con chim giống, do chưa có kỹ thuật chăm sóc nên đã chết trên 8 nghìn con giống.

Thất bại ngay bước đầu nhưng Tú không nản chí, với số chim giống còn lại Tú mày mò học hỏi trên sách báo, tập trung chăm sóc, sau 2 tháng lứa chim đầu tiên cũng cho xuất bán, thu về 12 triệu đồng.

Mặc dù bị lỗ vốn, nhưng Tú vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình, với suy nghĩ “thất bại là mẹ thành công”. Tuy nhiên để có thêm kiến thức Tú tạm nghỉ công việc chăn nuôi 2 tháng để đi học hỏi kinh nghiệm một số mô hình khác trong tỉnh.

Lần này cẩn thận hơn Tú chỉ nuôi 1 nghìn con chim giống, nhờ có kỹ thuật chăm sóc nên tỷ lệ sống đạt gần 90%. Sau 2 tháng nuôi, xuất bán chim thịt thu về 7,5 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 2,5 triệu đồng.

Áp dụng phương pháp nuôi gối nên Tú có chim thịt xuất bán đều đặn, với phương châm xoay vòng vốn, Tú tiếp tục đầu tư thêm chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi chim đẻ lấy trứng.

Từ đầu năm 2016 đến nay, lúc nào trong trang trại cũng có 1 nghìn con chim đẻ, mỗi ngày thu từ 10-16 kg chứng, trừ mọi chi phí riêng bán trứng thu lãi khoảng 100 nghìn đồng/ngày.

Tú tâm sự: “Qua tính toán, trừ mọi chi phí sau khi bán trứng và chim thịt mỗi tháng mình thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Thời gian tới mình sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, tăng số lượng chim thịt và chim đẻ. Tuy nhiên mình đang thiếu vốn và rất cần được hỗ trợ thêm”.

(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)