Từ bỏ tấm bằng cử nhân loại giỏi, trở về nuôi trùn và lão nông học hết lớp 5, không qua lớp đào tạo nghề nào, nhưng trở thành tác giả của nhiều loại máy nông nghiệp là câu chuyện đáng suy ngẫm trong tuần qua.

Đầu tháng 7 cũng là lúc các hàng nghìn thí sinh bước vào kỳ thi cam go để bước vào cánh cửa đại học. Chính vì thế mỗi năm, thời điểm này người ta lại nói tới vấn đề lựa chọn nghề, lao động và việc làm. Đây luôn là một vấn đề nóng của cả xã hội.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về lao động việc làm vừa được công bố trong tuần, tỷ lệ thất nghiệp của quý II là 1,12 triệu người, tăng gần 6.000 người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,06% so với quý 1/2016. Thất nghiệp của thanh niên từ 15-25 tuổi chiếm 47% số người thất nghiệp. 

Tỷ lệ này đặc biệt cao ở khu vực thành thị, cứ 10 thanh niên trong độ tuổi lao động ở khu vực này thì có 1 người thất nghiệp.

{keywords}
Tỷ lệ thất nghiệp cao tại nhiều khu vực

Cử nhân nuôi giun

Ngay cả nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn khó tìm cho mình một cơ hội ở thành thị. Như Nguyễn Văn Sang, 28 tuổi, sau khi tốt nghiệp đã từ bỏ tấm bằng cử nhân loại giỏi, chở về nuôi trùn quế với ước mơ làm giàu.

Một mô hình chăn nuôi khép kín, trồng cỏ nuôi bò, lấy phân bò nuôi trùn quế, nuôi trùn quế làm thức ăn cho bò, lấy phân trùn quế trồng cỏ. Điểm độc đáo của mô hình này chính là tận dụng mọi thứ phế phẩm để nuôi bò cho tới bảo vệ môi trường. Mỗi năm anh thu nhập hơn cả tỷ đồng, đem lại công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Nuôi trâu có 4 tỷ

Vợ chồng anh Tiến - chị Hải (Long Biên, Hà Nội) cũng là một thành công trong chăn nuôi nông nghiệp. Từ một con trâu, hai vợ chồng anh đã gây dựng được đàn trâu lên tới gần 200 con, chăn thả ở bãi giữa sông Hồng.

Năm 1993, anh chị đã đi vay lãi 1,8 triệu đồng để mua 1 con trâu với mục đích chỉ để cày thuê kiếm sống qua ngày. Bằng đôi bàn tay tần tảo của chị Hải, được phụ giúp bởi tính cách mạnh mẽ từ anh Tiến, hai vợ chồng cố gắng chăn thả rồi tích cóp mua dần để gây dựng đàn trâu. Trong đàn trâu, con to nhất cỡ 5 tạ, con lớn bù con nhỏ áng chừng giá trị đàn trâu khoảng hơn 4 tỉ đồng.

{keywords}

Học hết lớp 5 sáng chế máy

Làm nông nghiệp, học không cao nhưng lại “hành” rất giỏi, ông Vũ Văn Dung (xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình) đã chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp như máy tời lúa kết hợp với máy bơm, máy cấy không động cơ.

Ông Dung tâm sự: “Ít ai nghĩ rằng 18 tuổi tôi mới học hết lớp 5. Tôi đúp 3 năm lớp 3, đúp 2 năm lớp 5. Thế nhưng riêng môn toán thì tôi học giỏi, lại có khả năng bắt chước rất tốt. Nhìn một người đang làm gì đó, lập tức tôi có thể làm theo. Có lẽ đó là tố chất nổi bật theo tôi đến bây giờ”. 

{keywords}

Hơn 6 năm kể từ khi sáng chế thiết bị này, ông Dung đã bán được trên 1.000 chiếc với giá hơn 3 triệu đồng - mức giá mà hộ nông dân nào cũng có thể đáp ứng. Sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành như Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang,...

Không bằng ĐH làm quản lý

Có thể nói, tấm bằng đại học không phải là cách cửa duy nhất để vào đời. Nhiều doanh nhân đã thành công mà không cần đại học và các lãnh đạo doanh nghiệp cũng không quan tâm tới bằng cấp, họ chú trọng tới thực tế nhiều hơn.

Cách đây không lâu, trong một buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư, chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ, nhân viên của ông, thậm chí ở cấp bậc quản lý - cửa hàng trưởng của hệ thống MWG không cần tốt nghiệp đại học, chỉ cần trung học thôi vì gia đình học dạy cho họ quan tâm đến người khác. Những vấn đề khó khăn phức tạp mà đại học mới làm được thì để hệ thống làm, còn những thứ khác cửa hàng trưởng chỉ cần quan tâm họ có thái độ phục vụ khách hàng tốt và động viên những người còn lại vui vẻ làm việc, những thứ còn lại theo lời ông Tài “họ không cần biết”.

{keywords}

Quan điểm của ông Tài cho thấy, tấm bằng đại học không có nhiều giá trị nếu không biết phục vụ tốt khách hàng. Để củng cố cho quan điểm này, ông Tài đã không ngại trả lời cổ đông về thứ tự ưu tiên của công ty. Nếu coi các đối tượng ưu tiên xếp theo hình tam giác, MWG sẽ lật ngược tam giác xuống, phần trên cùng là khách hàng, giữa là nhân viên, cuối cùng là cổ đông và các đối tác.

Thực tế, không ít doanh nhân đã thành tài mà không cần tới tấm bằng đại học. Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng ý chí và ý tưởng kinh doanh của ông không thua kém bất cứ doanh nhân thành đạt nào ở Việt Nam.

Hay như ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen khởi nghiệp từ khá sớm và cũng không tốt nghiệp đại học. Ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch công ty thủy sản Hùng Vương cũng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, không có bằng đại học, ông vẫn “làm nên chuyện”.

{keywords}

Trong quản lý doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo luôn tôn trọng những người tài. Thậm chí ngay khi bị chửi một cách gay gắt nhưng chính nhờ điều đó mà những nhân viên có cơ hội để thể hiện mình. 

Tại FPT, một nhân viên kinh doanh đi họp thay sếp đã lớn tiếng chửi sếp “dốt” trước mặt chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình. Ngay sau đó, chính nhân viên này đã được nhận một trọng trách đảm nhiệm dự án của công ty.

Sau vụ “nổi dậy” ấy, cộng thêm tài năng và nhiều tài lẻ, người nhân viên ấy đã tiến rât nhanh trên con đường lãnh đạo, và đảm đương nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trong tập đoàn FPT. Hiện anh nhân viên “láo” này đã làm chủ tịch một công ty phần mềm.

Phu nhân thống đốc đi làm bồi bàn

Một câu chuyện cũng khá thú vị về việc làm, ở bên kia trái đất, để có thêm tiền mua một chiếc Toyota RAV4, bà Ann LePage (58 tuổi), phu nhân Thống đốc tiểu bang Maine Paul LePage (Mỹ) đã đi làm bồi bàn tại một nhà hàng hải sản. Phu nhân Thống đốc này tiết lộ rằng bà tìm được công việc nhờ “mối quan hệ” và điều đáng nói là đó không phải từ chồng bà mà từ cô con gái.

{keywords}

Nhiều thực khách tỏ ra khá bất ngờ, thậm chí băn khoăn liệu có phải phu nhân Thống đốc đi làm thêm vì thiếu tiền. Trong khi đó, nhiều người khác lại rất thích thú và ủng hộ bà.

Hiện nay, bà LePage đang gia nhập lực lượng 10.000 người lao động theo mùa tại tiểu bang Maine, nơi đặc biệt sôi động vào mùa hè với du khách đổ về vùng ven biển.

Bảo Anh