Những câu chuyện vốn một thời được cho là “viễn tưởng” như làm ô tô, điện thoại thông minh thương hiệu Việt... giờ đây đã dần thành hiện thực. Doanh nhân Việt cũng đã góp mặt trong bảng xếp hạng các tỷ phú USD

Tại sao Việt Nam chỉ có 4 tỷ phú USD, còn nhiều siêu giàu trốn kín

Ông bầu tỷ phú, 100 ngày trong lò luyện thi 'hoa hậu' trên thảo nguyên

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được 1 tháng, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công Thương. “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết.

Và rồi, sau một thời gian ở trong nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa, Việt Nam đã dần mở cửa để hội nhập với thế giới. Giới công thương sau những thăng trầm của lịch sử đã được thừa nhận vị trí của mình trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 đến nay, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Ngày 13/10 cũng chính là ngày được Thủ tướng Phan Văn Khải lấy làm “Ngày doanh nhân Việt Nam” trong Quyết định số 990/QĐ-TTg năm 2004.

Được thừa nhận và khuyến khích, đội ngũ doanh nhân Việt đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Từ con số gần 63.000 doanh nghiệp hoạt động năm 2002, tính đến nay là khoảng 550.000 doanh nghiệp hoạt động. Mỗi năm có hàng trăm ngàn doanh nghiệp mới “khai sinh”.

Theo số liệu thống kê, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp 40% GDP cả nước, 30% giá trị sản lượng công nghiệp; 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ, thu hút 85% lực lượng lao động trên cả nước và tạo ra 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm. Hiện nay, chúng ta đã có một số Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Vin Group, Hòa Phát, Trường Hải, VietJet...

{keywords}
Việt Nam đã có 4 tỷ phú đô la.

Giới doanh nhân Việt cũng đã góp mặt trong bảng xếp hạng những tỷ phú USD. Từ chỗ chỉ có 1 doanh nhân duy nhất là ông Phạm Nhật Vượng lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013, đến nay Việt Nam đã có 4 doanh nhân vào bảng xếp hạng danh giá này.

Dẫu vậy, con số ấy như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế doanh nhân đánh giá “vẫn là rất ít nếu so với các nước trong khu vực”.

Trong số hơn 500 nghìn DN đang hoạt động, cũng chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top đầu thế giới, tiếng tăm vẫn chưa vươn tầm quốc tế. Trái ngược với hình ảnh khiêm tốn ấy của doanh nghiệp, doanh nhân Việt là hình ảnh những tỷ phú Thái Lan, Singapore, Malaysia... đang không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam.

Đã có quá nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm để mổ xẻ nguyên nhân vì sao “DN Việt cứ còi cọc”. Từ pháp luật thiếu minh bạch, thừa rào cản, cho đến ưu tiên cho các quan hệ thân hữu, xin cho, những điều khoản “dưới gầm bàn”... Tất cả hợp lại đã níu chân doanh nghiệp, doanh nhân Việt trên con đường vươn ra biển lớn.

“Nếu bạn là một nghiệp chủ ở Mexico, các hàng rào cản trở việc thành lập DN sẽ đóng vai trò quan trọng ở mỗi giai đoạn trong sự nghiệp của bạn. Những rào cản này bao gồm giấy phép tốn kém mà bạn phải kiếm được, những tệ nạn quan liêu mà bạn phải vượt qua, .... Những rào cản này hoặc là không thể vượt qua, ngăn bạn bước vào những hoạt động làm ăn béo bở, hoặc sẽ là người bạn vĩ đại nhất của bạn, giúp bạn giữ khoảng cách an toàn với các đối thủ cạnh tranh khác. Lẽ dĩ nhiên, điểm khác biệt giữa hai tình huống là ở chỗ bạn quen biết những ai và có thể ảnh hưởng đến những người nào, cũng như có thể hối lộ cho ai”.

Đọc đoạn trích trên trong cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại?” nói về cách làm giàu ở Mexico, thấy thật quen thuộc.

Con đường làm giàu như thế nào cũng quyết định cách thức một doanh nhân trở nên giàu có và đi xa đến đâu. Phải chăng nhiều tỷ phú Việt không thể sánh ngang với những doanh nhân tầm quốc tế vì những cách làm ăn “đặc thù” khi ở Việt Nam và cũng bởi cách mà một bộ phận cán bộ ứng xử với doanh nhân? Sẽ ra sao nếu như các doanh nhân huyền thoại như Bill Gates, Steve Jobs, Larry Page, Jeff Bezos... sinh ra và làm ăn ở một môi trường kinh doanh như thế?

Dẫu sao, điều vui mừng là, vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, bao khát vọng tỷ đô, vươn tầm quốc tế vẫn đang được các doanh nhân Việt nỗ lực hiện thực hóa. Những câu chuyện vốn một thời được cho là “viễn tưởng” như làm ô tô, điện thoại thông minh thương hiệu Việt... giờ đây đã dần thành hình, thành dáng. Nâng đỡ, nuôi dưỡng những khát vọng ấy, để một ngày doanh nhân – doanh nghiệp Việt, rộng hơn là nước Việt có tên trên bản đồ các quốc gia phồn vinh là việc dẫu khó khăn nhưng không phải không làm được.

Hà Duy