Khởi tố, bắt tạm giam Tổng giám đốc Nhật Cường

Ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức do Bùi Quang Huy, sinh năm 1974, trú tại số 151 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, chủ mưu, cầm đầu. Bùi Quang Huy là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhật Cường, Giám đốc Nhật Cường Software (gọi tắt là Công ty Nhật Cường).

Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với 09 địa điểm liên quan đến Công ty Nhật Cường; thu giữ hàng ngàn điện thoại di động, Ipad, phụ kiện điện tử các loại... và các tài liệu liên quan.

{keywords}
Loạt sếp bị bắt liên quan tới Nhật Cường

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, Bùi Quang Huy và một số đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia; đã lập, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính, để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.

Bùi Quang Huy sau đó đã bỏ trốn, bị cơ quan công an phát lệnh truy nã quốc tế.

Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH-ĐT TP. Hà Nội và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can Nguyễn Tiến Học - nguyên Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT và Lê Duy Tuấn - giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy.

Bắt và xét xử vụ án liên quan tới Phạm Nhật Vũ

Ngày 13/4/2019, Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan, Cơ quan CSĐT (C03) - Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) về tội “đưa hối lộ”.

Tháng 12/2019, vụ án đã được đưa ra xét xử. Bị cáo Vũ bị buộc tội sau khi hoàn thành thương vụ bán cổ phần AVG cho MobiFone đã hối lộ các ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD và Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Do được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên bị cáo Vũ được Viện KSND đề nghị mức án dưới khung, từ 3-4 năm tù.

Trước đó, sau khi thanh tra Chính phủ làm việc, ngày 12/3/2018, nhóm cổ đông AVG đã thống nhất huỷ bỏ toàn bộ thoả thuận chuyển nhượng cổ phần và đã thanh toán trả 8.774 tỷ đồng trong đó gồm 8.445 tỷ đồng Mobifone đã thanh toán cho 8 cổ đông và 329 tỷ đồng cho các chi phí và lãi.

Hàng loạt cựu lãnh đạo VEAM bị bắt

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Cùng với đó, CQĐT đã ra quyết định khởi tố hàng loạt cựu lãnh đạo của VEAM gồm: Trần Ngọc Hà (cựu chủ tịch HĐQT, cựu Tổng giám đốc), Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc), Vũ Từ Công (cựu Phó Tổng giám đốc) và Nguyễn Mạnh Chung (giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp).

Việc khởi tố, bắt giam đối với dàn cựu lãnh đạo VEAM được cho là không quá bất ngờ, bởi trước đó Thanh tra Bộ Công Thương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại doanh nghiệp trên.

{keywords}
Nhiều sếp lớn bị khởi tố

Điển hình là việc quản lý, sử dụng vốn của VEAM tại một số đơn vị hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu, trong đó nhà máy ôtô VEAM kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư 331 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Công Thương cho rằng trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm trên thuộc về các chủ tịch, tổng giám đốc giai đoạn 2004-2018 gồm ông Lâm Chí Quang, ông Trần Ngọc Hà...

Loạt sếp dầu khí bị bắt

Liên quan đến dự án nhà máy sản xuất Ethanol sinh học tại Tam Nông, Phú Thọ, dự án này có tổng vốn 2.484,93 tỷ đồng, khởi công năm 2009 nhưng đến năm 2011 đã phải “đắp chiếu”. Tháng 6/2018, Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án và khởi tố nhiều bị can do những sai phạm xảy ra trong đầu tư dự án này.

Cùng bị bắt với ông Quang mới đây còn có ông Phạm Xuân Diệu (59 tuổi, nguyên Chủ tịch PVC, hiện là Phó Ban nhiệt điện Sông Hậu) và ông Nguyễn Ngọc Dũng (63 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC).

{keywords}
Điểm lại các vụ sếp lớn bị bắt 2019

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và 2 thuộc cấp về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan tới việc nhận tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi từ Oceanbank.

Ba bị can trong vụ án này gồm: Đỗ Văn Khạnh (sinh năm 1961, nguyên tổng giám đốc PVEP, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí - PVD), Nguyễn Tuấn Hùng (sinh năm 1971, nguyên trưởng Ban tài chính PVEP) và Vũ Thị Ngọc Lan (sinh năm 1973, nguyên phó tổng giám đốc PVEP).

Lê Tấn Hùng và loạt sếp lớn tại Sagri

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở với ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Sagri) và ông Nguyễn Thành Mỹ (nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư) về tội danh tương tự.

Theo kết luận thanh tra, Sagri có dấu hiệu cấu kết với công ty du lịch lập khống hồ sơ chứng từ nhằm hợp thức hóa vụ việc để hạch toán và quyết toán. Cơ quan thanh tra xác định trách nhiệm này thuộc về tổng giám đốc và kế toán trưởng.

Với những sai phạm trên, hồi tháng 1, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kỷ luật ông Lê Tấn Hùng và cán bộ cấp dưới bằng hình thức cảnh cáo.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc với ông Vân Trọng Dũng (52 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Sagri) và bà Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Sagri).

Sếp Petroland bị bắt

Ngày 13/12, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Trần Hữu Giang (nguyên phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí - Petroland) với tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3 điều 356 Bộ luật hình sự.

{keywords}

Trước đó, qua quá trình xác minh về những sai phạm xảy ra tại Petroland, ngày 30/9/2019, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án hình sự "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Petroland.

Cơ quan an ninh điều tra khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với Bùi Minh Chính (sinh năm 1961, trú tại TP.HCM, là chủ tịch hội đồng quản trị Petroland, nguyên giám đốc Petroland).

Bắt giam 2 sếp nữ liên quan đến khu đất 'vàng'

Quá trình điều tra mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP.HCM; liên quan đến dự án tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, ngày 7/10, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tiến hành các biện pháp tố tụng.

Cơ quan công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1958), nguyên Giám đốc công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM; Lê Thị Thanh Thúy (SN 1979), Chủ tịch HĐQT công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và công ty CP Đầu tư Lavenue.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO1) đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các bị can, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bảo Anh