Vụ án bầu Kiên đã trôi qua hơn 3 năm với một số bị cáo đã thi hành xong bản án của mình và trở lại với công việc kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khoản nợ, cho vay chưa giải quyết được.


Sếp cũ ACB trở lại kinh doanh

Hơn 3 năm kể từ khi vụ án bầu Kiên xảy ra với sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt chiều tối ngày 20/8/2012, sếp cũ của Ngân hàng ACB và Eximbank Phạm Trung Cang - một bị cáo trong vụ án - đã mãn hạn tù và trở lại với công việc kinh doanh.

ĐHCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) diễn ra sáng 27/4 đã thông qua quyết định để ông Phạm Trung Cang trở lại HĐQT công ty sau hơn 3 năm vắng bóng.

Trước đó, ông Cang (62 tuổi) từng là Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Tân Đại Hưng, thành viên sáng lập, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và nguyên Phó Chủ tịch Eximbank.

{keywords}
Ông Phạm Trung Cang đã tái xuất sau khi mãn hạn tù

Như vậy, ông Cang đã thi hành xong bản án 3 năm tù về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong bản án phúc thẩm tháng 4/2014, ông Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT ngân hàng ACB lĩnh án 2 năm tù. Một người cũng sắp thụ án xong là ông Trịnh Kim Quang (62 tuổi), với bản án 4 năm tù.

Trong nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vụ án bầu Kiên, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (47 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị tuyên 5 năm tù; bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) 5 năm 6 tháng tù.

Còn trong nhóm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Lý Xuân Hải (nguyên TGĐ ACB) chịu án 8 năm tù. Ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư ACB, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) chịu hình phạt 30 năm tù.

Ngoài các hình phạt tù, ông Nguyễn Đức Kiên chịu hình phạt bổ sung: phạt số tiền trốn thuế 75 tỷ đồng để sung công quỹ nhà nước. Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản: phạt 100 triệu đồng sung công quỹ nhà nước. Các bị cáo trong nhóm tội cố ý làm trái còn bị cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng 5 năm sau khi mãn hạn tù.

Trong một vụ án có liên quan, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, bị cáo Như bị tuyên phúc thẩm tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Huyền Như và đồng bọn là người dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt gần 4 ngàn tỷ đồng của các NH, tổ chức, cá nhân. Trong vụ án, Ngân hàng ACB của bầu Kiên đã bị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng.

Ngàn tỷ khó thu

Theo cáo trạng vụ án bầu Kiên, ông Nguyễn Đức Kiên khi đó là phó chủ tịch ACB không chấp nhận phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi trong bối cảnh dư thừa tiền tiết kiệm mà không cho vay, đầu tư được.

Nguyên TGĐ ACB Lý Xuân Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào NH để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại của các ngân hàng khác và được ông Kiên ủng hộ, cũng như sự thống nhất của ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ.

{keywords}

Vụ án bầu Kiên là một trong 10 đại án kinh tế.

Vụ án đã qua đi, có bị cáo đã mãn hạn tù và trở lại công việc kinh doanh. Tuy nhiên, hậu quả về tài chính thì vẫn còn đó. ACB vẫn đang trả giá đắt cho sai lầm quá khứ.

Trong gần 4 năm qua, ACB vẫn chưa thu hồi được hàng ngàn tỷ đồng nợ vay từ 6 DN liên quan tới bầu Kiên và tiền gửi tại 3 ngân hàng, trong đó có 2 ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng là: GPBank và VNCB.

Theo báo cáo tài chính 2015, tính tới cuối 2015, ACB còn khoản tiền gửi các TCTD khác gần 6 ngàn tỷ đồng; các khoản phải thu gần 7 ngàn tỷ đồng,... Đây cũng là điều được ông Đỗ Minh Toàn, TGĐ ACB thừa nhận tại ĐHCĐ hôm 8/4 vừa qua. Hiện tại, theo lãnh đạo ACB, ngân hàng này vẫn đang tìm phương án xử lý thu hồi nợ.

Trước đó, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát vụ án bầu Kiên, từ giữa 2007 đến tháng 8/2013, thông qua 6 DN, bầu Kiên đã kinh doanh trái phép vàng. Các giao dịch vàng trị giá gần 12 ngàn tỷ đồng và các giao dịch mua bán cổ phần trị giá 9.700 tỷ đồng.

Ba kỳ ĐHCĐ đã qua đi, các cổ đông của ACB vẫn rất lo ngại về khả năng thu hồi các khoản tiền gửi, nợ vay. Những khoản trích lập dự phòng đang bào mòn lợi nhuận của một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam này.

M.Hà