Khô rắn
Vào mùa nước nổi, miền Tây Nam Bộ trở thành vùng đầm lớn với rất nhiều loại rắn sinh sôi. Dưới bàn tay chế biến khéo léo của người dân, rắn đã trở thành một loại thực phẩm đặc biệt, được biến tấu thành nhiều món ăn đa dạng. Trong đó, khô rắn được ca ngợi như thứ đồ nhậu có thể chiều lòng cả thực khách khó tính nhất.
Các hộ làm nghề sẽ tập trung sản xuất khô rắn từ tháng 8 tới tháng 11. Rắn mang về được cắt tiết, lột da, róc xương lấy thịt. Sau đó, ướp gia vị theo tỷ lệ gia truyền rồi cán mỏng thành từng miếng dẹt, đem phơi dưới nắng chừng 2 đến 3 ngày.
Các món từ tắc kè, thằn lằn
Khô thằn lằn, khô tắc kè ngày nay được nhiều người miền Tây sản xuất, chế biến nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo dân nhậu. Thằn lằn sống ở trong nhà cũng được người dân bắt đem xẻ thịt phơi khô 2 - 3 nắng, sau đó xào với các gia vị trở thành món ăn đặc sản ở miền Tây. Giá trung bình mỗi con thằn lằn khô có thể bán từ 50k - 60k.
Vũ nữ chân dài
Ít ai biết rằng, cái tên "vũ nữ chân dài" là mỹ từ mà người dân miền Tây dùng để gọi khô nhái - một món nhậu có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Nhái sống thành đàn và xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa. Tuy là loài vô cùng đa dạng về chủng loại, nhưng chỉ có nhái cơm sinh sống ven các ruộng lúa mới được dùng để chế biến thành món đặc sản. Nhái cơm thì có quanh năm ở vùng đồng ruộng như Tịnh Biên (An Giang), Bạc Liêu, Đồng Tháp...
Nhái cơm vốn đã có kích thước nhỏ. Sau khi lột da, phơi khô thì thu lại chỉ bằng ngón tay. Bình quân, cứ 4 kg nhái tươi sẽ cho một cân nhái khô với giá khoảng 500.000 đồng/kg. Còn vào dịp Tết, khô nhái có thể lên đến 850.000 đồng/kg mà không có hàng để bán.
Người ta sẽ dùng "vũ nữ" để nướng hoặc chiên giòn ăn với nước mắm me. Khô nhái rất ngon, có thể coi là món nhậu hấp dẫn ít món nào qua mặt được. Khi thưởng thức nhái khô chiên giòn, thực khách có thể nhai cả xương và thịt.
Khô chuột đồng
Khô chuột đồng nổi tiếng nhất ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Để làm khô chuột, chuột đồng được bắt về sẽ được tẩm muối và sả băm đem phơi nắng cho thật khô, nhưng cũng chỉ có thể để dành khoảng 10-15 ngày vì dễ bị mốc và hôi do nhiều mỡ.
Khô chuột đồng tuy không quá phổ biến, nhưng cũng là món được nhiều dân nhậu săn lùng. Cách chế biến khô chuột đồng thơm ngon, được dân nhậu truyền tai nhau là vùi vào than nóng ,khi chín lấy ra đập dập sạch than chấm muối tiêu chanh, hoặc chặt miếng vừa chiên nhỏ lửa đến khi giòn rụm, ăn vừa bùi, vừa ngậy, béo, lại có vị cay cay, thơm thơm của gia vị ,rất thích hợp cho những người thích lai rai.
Các món từ dơi
Nhiều thực khách sẽ "khóc thét" khi thấy cách chế biến dơi của người dân miền Tây, nhưng rồi sẽ bị "đốn tim" bởi những món ăn này mang hương vị đậm đà, thịt ngọt, bổ dưỡng và kích thích vị giác.
Người dân miệt sông nước chỉ sử dụng hai loại dơi chính dơi sen và dơi quạ để chế biến món ăn. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột. Hai loại dơi này đều xấu và hôi nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm và trở thành món nhậu ngon trứ danh của người dân nơi đây.
Để bắt được dơi, vào chập tối, người ta dùng lá mì chụm lại thổi, bắt chước tiếng dơi kêu để dẫn dụ chúng đến. Sau khi nghe tiếng dơi mồi kêu, dơi thường tìm đến và sà xuống thấp. Cứ thể, dân săn dơi cứ dùng vợt mà bắt.
Càng về đêm, dơi xuống càng nhiều nên việc bắt dơi lúc đó vô cùng dễ dàng. Dơi nhờ ăn toàn trái cây nên thịt rất ngon, ăn rất mát và bổ, có thể chế biến thành nhiều món như: dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt, nướng chao, nướng than tàu… nhưng nhiều người rất thích nhất vẫn là món dơi sen nấu cháo và dơi xào lăn.
(Theo Dân Trí)
'Nổi da gà' với món đặc sản để kiến bò lúc nhúc
Món thịt bò tái kiến đốt là món ăn không chỉ có tên gọi lạ mà còn có công thức chế biến kỳ công, chỉ có ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc).