Nỗi lo một cuộc khủng hoảng mới giống như năm 2008 đang lớn hơn bao giờ hết khi các thị trường tài chính toàn cầu khởi đầu năm mới 2016 với những diễn biến tồi tệ nhất trong lịch sử.

Bất ổn

Chỉ trong 4 ngày đầu năm 2016, hơn 2 ngàn tỷ USD đã bị cuốn phăng khỏi các TTCK sau cơn bão xuất phát từ chứng khoán Trung Quốc. Đây là một số tiền rất lớn, mà theo tính toán trên CNBC, tương đương khoảng 12% nợ Chính phủ Mỹ.

Sự bất ổn chưa dừng ở đó. Trong cả tháng đầu tiên của năm mới, các thị trường tiếp tục chao đảo. Cú tăng điểm trong phiên cuối cùng của tháng đã giúp các TTCK trên thế giới lấy lại được phần nào nhưng vẫn không thấm tháp so với những mất mát trước đó.

{keywords}
Khủng hoảng tài chính Trung Quốc ảnh hưởng mạnh tới thế giới.

TTCK Mỹ khép lại một tháng đầu năm mới đen tối nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc chứng kiến 4 tuần đầy ác mộng. Chỉ số Shanghai Composite mất tổng cộng gần 22,7% kể từ đầu năm.

Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày 26/1, chỉ số Shanghai Composite suýt lặp lại kỷ lục buồn 2 phiên sập sàn ngay đầu năm mới. Trong phiên ngày 26/1, chỉ số này giảm 6,4%, xuống dưới 2.750 điểm. Tới ngày 28/1, chỉ số này đã xuống dưới ngưỡng 2.700 điểm khiến TTCK Trung Quốc bốc hơi hơn 2 ngàn tỷ USD kể từ đầu năm.

Trong khi đó, tính chung trong tháng 1, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đã mất từ 5,1-7,9% và vốn hóa của thị trường này cũng bốc hơi ở mức tương tự.

Thị trường tài chính toàn cầu đã có một tháng khởi đầu năm mới có thể nói tồi tệ nhất trong 7-8 năm qua.

Tháng 1/ 2016 cũng đã khởi đầu không mấy suôn sẻ với giá dầu rớt không phanh, mất 9%, có lúc xuống dưới 27 USD/thùng, còn đồng NDT của Trung Quốc cũng giảm nhanh sau khi nước này công bố các số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại rõ rệt và tình hình kinh doanh xấu đi.

Hàng loạt các nền kinh tế khác cũng đang đối mặt với khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, kinh tế Nga ở mức “căng thẳng cực độ” và sẽ không thể quay lại với tăng trưởng vào năm 2017 và tình hình có thể còn tồi tệ hơn trong năm 2018. Trong khi đó, Venezuela phải tuyên bố tình trạng kinh tế khẩn cấp…

Đối mặt với khủng hoảng?

Trước những diễn biến bất thường và sự xuống sức của nhiều nền kinh tế, không ít chuyên gia cho rằng, nhiều thị trường tài sản trên thế giới đã rơi vào tình trạng bong bóng sau nhiều năm các nước thực thi triệt để chính sách nới lỏng tiền tệ.

{keywords}
Thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.

Điều mà nhiều người lo ngại là, các nước vẫn đang tiếp tục duy trì trạng thái bơm vá, đẩy tiền vào nền kinh tế và bóp méo các thị trường tài chính. Cuộc đua vẫn đang tiếp diễn nhưng dường như hầu hết các nước đều không đạt được mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bloomberg, hôm 29/1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết NH này sẽ áp dụng mức lãi suất âm lần đầu tiên sau nhiều năm giữ ở mức 0%/năm. Theo đó, kể từ 16/2, BOJ sẽ áp dụng lãi suất -0,1% đối với các tài sản của các tổ chức tài chính gửi tại BOJ và đối với khoản tiền gửi của các ngân hàng thương mại.

“Chính sách này sẽ giúp lãi suất cho vay trên thị trường giảm và hướng tới mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. Lãi suất sẽ bị giảm xuống âm sâu hơn nữa nếu cần thiết”, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda nói tại một cuộc họp báo tại Tokyo và được Bloomberg dẫn lại.

Trước đó, hôm 15/1, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% áp dụng từ đầu 2009, sau khi đưa ra những đánh giá có phần bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc trước đó liên tục hạ giá đồng NDT và hạ lãi suất để cứu tăng trưởng, chặn đà suy giảm sâu của nền kinh tế.

Trên Bloomberg, một số chuyên gia cho rằng, lãi suất âm có lợi cho chính phủ nhưng lại gây ra áp lực tài chính cho thị trường. Nó khiến các DN nợ nần chồng chất không chết mà sống lay lắt, ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế.

Chính các chính sách nới lỏng được xem là một trong các yếu tố dẫn tới cuộc chiến tiền tệ hay những vụ sập sàn chứng khoán trong suốt năm 2015 và những tuần đầu năm mới 2016.

Đây cũng là cơ sở khiến một số tổ chức NH tài chính lớn cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ sớm trở lại, tệ hại như giai đoạn 2008-2009. Một số dự báo cho rằng, nhiều TTCK có thể giảm tới 40-50% trong năm nay, trong khi giá dầu có thể giảm xuống 20 USD/thùng.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng lần này, giống như Mỹ khơi mào cuộc khủng hoảng tài chính có nguồn gốc từ cho vay dưới chuẩn với sự sụp đổ của đáng tiếc của một trong những NH hàng đầu của nước này - Lehman Brothers.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia lạc quan hơn cho rằng, thế giới sẽ không phải trải qua một cú sốc như hồi 2008. Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khá nhiều trục trặc trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng và dịch vụ. Tuy nhiên, khả năng một cú hạ cánh cứng là khó có thể xảy ra bởi tiềm lực tài chính của nước này khá mạnh. Hơn thế, khu vực kinh tế tư nhân khá nhạy bén của nước này cùng với khu vực kinh tế hộ gia đình có thể là giá đỡ cho một cú hạ cánh mềm hơn của một nền kinh tế có nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh.

Dù vậy, để nền kinh tế Trung Quốc có thể tái cân bằng, theo tờ một tờ báo của Hong Kong, có thể mất tới 25 năm. Sự hồi phục chậm chạm của châu Âu và Nga cũng góp phần khiến kinh tế thế giới sẽ khó bứt phá trong một thời gian dài. Nếu khủng hoảng không xảy ra thì sự ì ạch có thể vẫn sẽ thống trị.

V. Minh