Người dân các huyện vùng núi tỉnh Quảng Nam đổ xô lên núi tìm trái mây đem về bán cho các đầu nậu; ở đồng bằng, cau non cũng được truy lùng ráo riết. Lột hết buồng cau non ở Quảng Nam, dân thu mua lấn ra cả Đà Nẵng, lùng từng con phố tìm cau.
Tại các xã Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), ngày nào cũng có một đội quân xuyên rừng lùng sục trái mây mang về bán.
Anh Hồ Văn Thà (thôn 3 Đèn Pin, xã Trà Leng) nói: “Trước kia mình chỉ hái trái mây chín về nhập, vì đầu nậu không chịu thu mây xanh. Bây giờ thì trái mây non, mây già gì họ cũng mua hết”.
Mỗi chuyến đi hái mây mất một buổi, khi mưa gió hoặc tìm không ra thì phải đến vài ngày anh mới về. Anh Hồ Văn Đừng ở cùng thôn hầu như ngày nào cũng xé rừng tìm mây, vì những hôm “trúng đậm” được rất nhiều tiền.
“Hồi trước trái mây đầy rẫy, cứ vào rừng là gặp nhưng bà con lùng quá cũng hết, bây giờ tụi mình phải vào tận rừng sâu mới kiếm được. Ngày thường được một vài kí, hôm nào hên thì được 3-4 kí mang về”, anh Đừng cho biết.
Cõng mây từ rừng ra, người dân xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) bán ngay cho một điểm thu mua ở bìa rừng.
Trên đường vào thôn 3 Đèn Pin, quán tạp hóa của vợ chồng anh Nguyễn Văn Th. là nơi thu mua trái mây của bà con. Anh Th. cho biết tùy loại mây, trái non ít được giá hơn trái già và chín, dao động từ 50-120 ngàn/kg.
Cứ một vài ngày, bà con lại cõng mây ra bán. Mỗi đợt anh thu được vài chục kí, dồn lại rồi đưa về nhập cho các điểm thu mua lớn ở huyện Tiên Phước hoặc thành phố Tam Kỳ, có khi chỉ cần ra tới bìa rừng là đã có người đón sẵn để thu lại.
“Họ cần thì mình thu mua, để bán kiếm lời, chứ không biết họ mua về làm gì, người nói làm thuốc, người nói làm thực phẩm. Chỉ biết là họ nhập về để bán sang Trung Quốc, thỉnh thoảng chở mây xuống mình cũng có thấy một vài người Trung Quốc tới xem mây”, anh Th. kể.
Tại huyện Đông Giang, gần đây việc đổ xô đi hái trái mây rừng tạm lắng xuống bởi quả mây đã bị bà con lùng sạch. Ông Hôih Bảy - Chủ tịch UBND xã A Rooi - cho biết: Trái mây hết sạch, vào rừng sâu cũng không còn nữa, bây giờ bà con lại chuyển sang trồng cây mây nước để lấy trái bán cho các đầu nậu”.
Bất thường
Liên hệ với một đầu nậu tên Khánh chuyên đi gom trái cau non, Khánh cho biết riêng hai huyện Đại Lộc, Quế Sơn và thành phố Hội An đã “cắm” người thu mua hết, phải chờ đến lứa sau cau ra quả lại rồi mua tiếp. Hiện tại Khánh đang chờ cau từ các huyện miền núi như Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My xuống.
Mỗi kí cau non Khánh mua từ 10-13 ngàn đồng, song không tiết lộ điểm nhập cau, chỉ cho biết xe chở cau tới thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) thì liên hệ để Khánh cho người ra nhận. “Cau non này đâu có ăn được, mua về để nhập sang Trung Quốc làm kẹo thôi. Trước mỗi kí chưa được 5 ngàn, bây giờ “khát” hàng quá mới được giá vậy đó”, Khánh giải thích.
Tại huyện Duy Xuyên, từ tháng 5 đến nay những người thu mua đã đến tận từng xóm nhỏ để gom trái cau non. Mua hết ở Quảng Nam, dân thu mua lấn ra Đà Nẵng, luồn lách từng con hẻm nhỏ tìm cau non.
Theo Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Nam Lê Muộn, việc bán trái cau non, đây không phải là cây trồng chính, có hiệu quả kinh tế cao nên người dân cứ thấy được giá thì bán, không quan trọng cau non hay cau già.
“Dù biết có tình trạng đổ xô đi mua hai loại quả này trên địa bàn để bán sang Trung Quốc nhưng Sở rất khó quản lý, vì người dân hái bán cho những người thu mua trung gian, không bắt gặp trực tiếp người Trung Quốc đến mua”, ông Muộn nói.
Cạn kiệt nguồn giống bản địa Theo ông Lê Muộn, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, việc ráo riết thu mua trái mây sẽ gây cạn kiệt nguồn giống bản địa. Sở đã khuyến khích các vườn ươm mua trái mây về ươm để bảo tồn nguồn giống với giá cả phù hợp nhưng đa số người dân đều bán cho các điểm thu mua vì giá cao hơn. |
(Theo Tiền phong)