Trong thời gian gần đây, câu chuyện kì thị vùng miền “nóng” trở lại. Từ việc lập các hội, fan page trên mạng xã hội với lời lẽ hết sức miệt thị đến ngoài đời thực nhiều công ty “chối bỏ” người lao động vì tính vùng miền.

Vấn đề kỳ thị vùng miền đã được báo chí cũng như cơ quan chức năng lên tiếng, phân tích đúng sai. Thế nhưng, trên thực tế, sự kì thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong một bộ phận người suy nghĩ lệch lạc.

Lên facebook lập “hội” kì thị

Thời gian qua, nhiều người dùng facebook cảm thấy khó chịu khi “vô tình” trở thành nạn nhân thói kì thị vùng miền của một bộ phận người có nhận thức lệch lạc. Không dừng lại ở đó, nhiều cá nhân còn lập các trang thu hút hàng ngàn người vào và đưa ra những lời lẽ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của nhiều người.

Trên trang HỘI GHÉT DÂN BẮC KÌ tuyên bố: “Hội này do một số anh em Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, Quảng Ngãi, miền Nam, miền Trung lập ra. Nhằm mục đích anti các thói hư, tật xấu của dân Bắc Kỳ. Người Nam hay người Trung đều tôn trọng sự tồn tại của các bạn Bắc Kỳ. Cái chúng tôi lên án và kì thị là cách sống, cách ăn ở, cách thể hiện, cũng như văn hóa quá dơ bẩn của Bắc Kỳ”.

Trang này có gần 4.000 thành viên thường xuyên đưa ra các bình luận tục tĩu, miệt thị những người Bắc Kỳ. Đây là một nhóm mở nên những lời kì thị này lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng. Nhiều người dùng tỏ ra ức chế, phản ứng thì bị các thành viên trong hội này “ném đá” không thương tiếc.

Cạnh đó là hàng chục hội khác được lập ra với những khẩu hiệu đầy kích động “Hội những người ghét đặc dân Thanh Hóa” với hơn 3.000 thành viên. Sự tồn tại của những “hội” trên khiến dư luận bức xúc, vấn đề kì thị vùng miền đã được báo chí cũng như cơ quan chức năng lên tiếng, phân tích đúng sai. Tuy vậy, sự ra đời của những “hội” này cho thấy thực tế sự kì thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong một bộ phận người suy nghĩ lệch lạc.

{keywords}

Nữ công nhân thì xin việc dễ nhưng nhiều nam thanh niên có hộ khẩu Thanh-Nghệ-Tĩnh thì rất khó xin vào làm công nhân ở TPHCM và Bình Dương.

Tẩy chay ngoài đời thực

Việc kì thị, phân biệt vùng miền trên facebook có thể xem là “ảo” vì những cá nhân tổ chức trên đó “không dám ra mặt” (dùng nick ảo). Thế nhưng, sự kì thị vẫn diễn ra từ lâu ở các công ty phía nam, đặc biệt là Sài Gòn và Bình Dương. Từ lâu nay, nhiều công ty ở khu vực này “âm thầm” chối bỏ lao động nam đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Câu chuyện “tẩy chay” lao động các tỉnh này không mới. Mấy năm trước, chuyện này xảy ra một cách bình thường, hễ cứ lao động người Thanh - Nghệ - Tĩnh là tẩy chay. Tuy nhiên, qua báo chí phản ánh thì nhiều công ty biết cách “im lặng”, tẩy chay bằng nhiều cách khác nhau.

Minh Huy (Linh Xuân, Thủ Đức, TPHCM) quê ở Hà Tĩnh, vào đây từ tháng 3.2014 đến nay vẫn chưa xin được việc ở khu công nghiệp. Khi hỏi lí do, Huy cho biết: “Em làm hồ sơ xin ở các công ty may ở đây nhưng hầu hết họ đòi hỏi có tay nghề. Rồi một số công ty không yêu cầu có tay nghề thì không tuyển những công nhân nam có hộ khẩu Nghệ An, Hà Tĩnh”. Huy cho biết thêm, điều này họ không nêu trong tuyển dụng mà hầu hết họ “loại” ở cổng bảo vệ, tức là khi hỏi quê quán nếu những công nhân nam đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh là họ tìm nhiều cách từ chối khéo.

Không chỉ có Huy mà nhiều nam thanh niên có hộ khẩu Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn khi xin việc ở các khu công nghiệp.

Vinh (quê Nghệ An), một trong số ít nam thanh niên được nhận vào làm ở một công ty thuộc khu chế xuất Linh Trung, cho biết: “Mình được nhận vào làm việc là do có một chị là người quen trong công ty đứng ra bảo lãnh, chứ trước đó mang hồ sơ có hộ khẩu Nghệ An đi xin việc nơi nào cũng ngán”.

Chị Mơ - một công nhân làm việc nhiều năm tại một công ty ở Bình Dương chia sẻ: “Nữ thì các công ty không phân biệt, bao nhiêu họ cũng nhận nhưng nam thanh niên ba tỉnh Thanh - Nghệ -Tĩnh thì khó lắm. Phải có người có tiếng nói trong công ty đứng ra bảo lãnh mới xin vào được. Tất nhiên, việc kì thị này họ không nói trong bảng tuyển công nhân, họ có nhiều cách “ngầm” loại các hồ sơ này từ cổng bảo vệ đến việc xét hồ sơ. Chuyện này xảy ra lâu lắm rồi, đến bây giờ thành một thói quen”.

Từ thực tế khó xin việc ở các khu chế xuất thuộc TPHCM và Bình Dương, nhiều nam thanh niên thuộc ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Họ phải tìm nhiều nghề khác nặng nhọc và thu nhập thấp hơn như phụ hồ, bốc vác… Và không ít người đã phải bỏ “giấc mộng” tìm việc nơi thị thành về quê chỉ vì sự kì thị hộ khẩu.

Lý do được nêu “ngầm” giữa các công ty là: Những nam thanh niên có quê quán 3 tỉnh trên thường có hành vi trộm cắp tài sản của công ty đem bán ra ngoài, thường gây gổ đánh nhau gây mất trật tự trong công ty…”. Điều này không phải là không có ngoài đời thực. Thực tế ở các công ty cho thấy, trong nhiều vụ công nhân trộm hàng đem ra ngoài bán lấy lời hay gây gổ đánh nhau thì nam công nhân ở ba tỉnh trên chiếm đa số. Từ đó, các công ty có “chính sách ngầm” thà đừng tuyển để tránh hậu quả sau này.

Tuy nhiên, đó là cách nhìn phiến diện một chiều, có tính “vơ đũa cả nắm”, bởi không phải cứ ai có hộ khẩu ba tỉnh trên đều là những người có những hành vi xấu. Việc không nhận nam công nhân ba tỉnh trên là một sự phân biệt lao động vùng miền.

Phi văn hóa, cần lên án

Việc phân biệt, kỳ thị vùng miền manh nha từ lâu nay, nhưng đến nay vẫn chưa thấy được giải quyết. Dù kì thị trên mạng xã hội hay ngoài đời thực thì đó cũng là điều vi phạm pháp luật và cần lên án.

Đối với trường hợp các cá nhân tổ chức lên mạng chửi mắng, lăng mạ người khác có hành vi chia rẽ vùng miền, dân tộc, phá hủy khối đại đoàn kết dân tộc, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ. Khi đầy đủ bằng chứng cấu thành tội phạm thì có thể truy tố trước pháp luật theo Điều 87 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Các cơ quan an ninh cần điều tra, tìm ra chủ nhân của những trang facebook này để xem xét, tùy mức độ, hành vi mà có thể xử lý hành chính hoặc hình sự.

Trong Luật Lao động cũng quy định các công ty không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tuy nhiên, nội dung phân biệt vùng miền chưa được nêu rõ. Vì thế, nhiều công ty có đủ cách để “lách luật” không tuyển các công nhân ba tỉnh trên.

Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng kì thị vùng miền, cần thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề: Trước hết, cần giáo dục thanh thiếu niên (những người dùng facebook nhiều) nhận thức đúng đắn trong vấn đề vùng miền. Đi song song là mỗi người dân cần ứng xử đẹp với văn hóa, phong tục Việt Nam. Ngoài ta, còn cần sự đoàn kết, tương thân tương ái, tránh những trường hợp kết bè kéo cánh, áp chế, lăng mạ người khác.

(Theo Lao Động)