Các ngân hàng châu Âu kiếm lợi "khủng" từ thiên đường thuế
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan giám sát thuế Liên minh châu Âu, các ngân hàng lớn nhất châu Âu đang thu lợi trung bình 20 tỷ euro (tương đương 23,7 tỷ USD) mỗi năm tại các thiên đường thuế, chiếm 14% tổng lợi nhuận của họ.
Kết quả này được đưa ra dựa trên dữ liệu của 36 ngân hàng hàng đầu châu Âu có trụ sở tại 11 quốc gia trên khắp châu lục này kể từ năm 2015 đến nay.
17 vùng lãnh thổ với các chính sách ưu đãi thuế được coi là các thiên đường thuế được báo cáo liệt kê gồm: Bahamas, Bermuda, quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Guernsey, Gibraltar, Hồng Kông, Ireland, Isle of Man, Jersey, Kuwait, Luxembourg, Macao, Malta, Mauritius, Panama và Qatar.
Theo báo cáo, khoảng 65% lợi nhuận của các ngân hàng trong giai đoạn 2014 - 2020 đến từ nước ngoài thông qua các chi nhánh. Lợi nhuận trên mỗi nhân viên ở các thiên đường thuế cũng lớn hơn nhiều so với các nơi khác.
Nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng 25% lợi nhuận của các ngân hàng được ghi nhận tại các quốc gia có mức thuế hiệu quả thấp hơn 15%.
"Bằng chứng này cho thấy các ngân hàng châu Âu đã có sự hiện diện đáng kể tại các thiên đường thuế và còn thu lợi ổn định từ đây trong những năm qua", báo cáo cho biết.
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên của các ngân hàng này tại các thiên đường thuế cao bất thường, lên đến 238.000 euro. Trong khi đó lợi nhuận trên mỗi nhân viên ở các quốc gia không phải là thiên đường thuế chỉ khoảng 65.000 euro. "Điều này cho thấy lợi nhuận ghi nhận được ở các thiên đường thuế chủ yếu là được chuyển ra từ các quốc gia có hoạt động sản xuất dịch vụ", trích báo cáo.
Ngân hàng nói gì về việc né thuế?
Nghiên cứu của cơ quan giám sát thuế EU cũng cho thấy, việc sử dụng thiên đường thuế của các ngân hàng có sự khác nhau đáng kể. Tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trung bình của các ngân hàng được ghi nhận tại các thiên đường thuế trong giai đoạn 2014-2020 ở mức khoảng 20%, nhưng con số ghi nhận tại từng ngân hàng dao động từ 0% đến 58%.
Một số ngân hàng được xác định là có sự hiện diện tương đối cao tại các thiên đường thuế. Ví như Ngân hàng HSBC, phần lớn lợi nhuận từ thiên đường thuế của ngân hàng này đến từ thiên đường thuế Hồng Kông. Trong khi đó, một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận đến từ nhiều thiên đường thuế khác nhau.
Theo báo cáo của cơ quan giám sát thuế EU, HSBC đứng đầu trong số các ngân hàng thu lợi lớn nhất từ các thiên đường thuế, với 58% lợi nhuận trước thuế đến từ thiên đường thuế trong giai đoạn 2014-2020.
Tuy nhiên, nói với CNBC qua email, người phát ngôn của HSBC cho biết: "HSBC là ngân hàng lớn nhất ở Hồng Kông, với khoảng 30.000 nhân viên. Với khối tài sản, quy mô hoạt động và chiến lược của chúng tôi, phần lớn lợi nhuận của tập đoàn tiếp tục phát sinh tại đây".
Đại diện HSBC cũng khẳng định không áp dụng chiến lược né thuế để chuyển lợi nhuận sang các vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp.
Cũng theo báo cáo, Ngân hàng Standard Chartered cũng ghi nhận trung bình khoảng 1/3 lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn 2014-2020 đến từ các thiên đường thuế. Trong khi đó, Deutsche Bank, Nord LB và RBS đều ghi nhận trung bình hơn 20% lợi nhuận trước thuế từ các thiên đường thuế trong thời gian trên.
Người phát ngôn của Standard Chartered nói với CNBC rằng ngân hàng này có các hoạt động thương mại ở cả các khu vực có mức thuế cao lẫn mức thuế thấp.
"Chúng tôi không chuyển lợi nhuận sang các khu vực có mức thuế thấp. Chúng tôi không tham gia vào các giao dịch với mục đích duy nhất là giảm thiểu hoặc giảm thuế", vị này tuyên bố.
Người phát ngôn của Deutsche Bank cũng cho biết, ngân hàng này hiện có các công ty con và chi nhánh hoạt động tại gần 60 quốc gia trên thế giới. Và không có quốc gia nào trong số này nằm trong danh sách thiên đường thuế mà EU liệt kê.
"Về nguyên tắc, Deutsche Bank báo cáo lợi nhuận tại các quốc gia mà họ ghi nhận, điều này có nghĩa là lợi nhuận cũng đã được đánh thuế ở các quốc gia đó", người phát ngôn của ngân hàng nói và cho biết thêm tùy thuộc vào từng hoạt động kinh doanh mà có mức lợi nhuận trên mỗi nhân viên khác nhau. Thuế suất hiệu quả của ngân hàng này trong năm 2020 là 39%.
(Theo CNBC/ Dân Trí)
Nhiều 'đại gia' bị truy thu thuế khủng
Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành thuế thực hiện được 32.209 cuộc thanh tra, kiểm tra; tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 22.963 tỷ đồng.