Luật có hiệu lực, chậm ban hành Nghị định hướng dẫn
Chính phủ đề nghị Quốc hội miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ 1/7/2011 đến 31/12/2013) và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/8/2017).
Việc này bắt nguồn từ chuyện tháng 11/2010, Quốc hội thông qua Luật khoáng sản năm 2010, có hiệu lực từ 1/7/2011. Trong đó, có quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Còn tháng 6/2012, Luật Tài nguyên nước được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2013, theo đó có quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đây là chính sách lần đầu tiên được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 của Việt Nam.
Số tiền dự kiến miễn thu là khoảng gần 5.000 tỷ đồng.Ảnh: Lương Bằng |
Thế nhưng, 2 năm 6 tháng sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, tháng 11/2013 Chính phủ mới ban hành Nghị định 203 quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/01/2014.
Và mãi tới 4 năm 8 tháng sau khi Luật tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 17/7/2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ cũng đã nêu ra nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan của việc chậm trễ này.
Một trong số các lý do là, trong quá trình xây dựng các Luật, việc đánh giá tác động của các chính sách nêu trên đã được thực hiện nhưng còn chưa toàn diện, cụ thể. Do đó, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp.
Khó thu được tiền thời điểm Nghị định chưa ban hành
Vì thiếu quy định, nên khoảng thời gian thiếu Nghị định, việc thu tiền tài nguyên nước và khoáng sản không thực hiện được (2 năm 6 tháng với Luật khoáng sản và 4 năm 8 tháng với Luật tài nguyên nước).
Cho nên, khi tổ chức thực hiện Nghị định số 203, Nghị định số 82 Chính phủ thấy rằng, việc hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong khoảng thời gian nêu trên là khó khả thi.
Sau khi các Nghị định nêu trên có hiệu lực, nếu tính tiền cấp quyền cho giai đoạn trước (từ ngày 01/7/2011 đến ngày 20/01/2014, đối với khai thác khoáng sản và từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/8/2017, đối với khai thác tài nguyên nước) thì dự tính số tiền khoảng gần 5.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, theo Chính phủ, số tiền nêu trên mới là dự tính (chưa phải là khoản thu ngân sách đã được xác định) và thực chất khi chưa thu khoản này thì đã nằm trong thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thuế khác (thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng...), các khoản phí đã được các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước) thực hiện và cũng đã được hạch toán, trích, lập các loại quỹ.
Trong đó, ước tính 80-90% các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước các giai đoạn nêu trên là từ các mỏ khoáng sản, các nhà máy thủy điện do các tập đoàn lớn của Nhà nước như EVN, TKV, PVN là chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, trong các giai đoạn nêu trên, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước đã quyết toán chi phí từng năm, đã nộp các khoản thuế, phí cho Nhà nước, trích quỹ theo quy định như đã nêu trên...
“Nếu hồi tố thì phải khấu trừ các khoản thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp”, Chính phủ cho hay.
Chính vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và đưa vào Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 (10/2019), Quốc hội khóa XIV.
Nội dung cụ thể là: Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện kể từ ngày 01/01/2014. Còn việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được thực hiện kể từ ngày 01/9/2017.
Lương Bằng