Tiền sẽ được bơm ra thị trường nhiều hơn trong những tháng còn lại nhưng áp lực lên tỷ giá và thị trường vàng được đánh giá không lớn.
Cuối năm nhiều tiền
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, tính đến ngày 29/7, tín dụng cho nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng đồng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên NH giảm so với cuối năm trước.
Mặt bằng lãi suất của các TCTD về cơ bản diễn biến ổn định. Từ cuối 4/2016, các NH đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh.
Qua 7 tháng, tốc độ bơm vốn ra nền kinh tế, mức độ nới lỏng tiền tệ đầu năm là khá cao so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, sự nới lỏng có thể còn mạnh mẽ hơn nhiều.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, đầu 2016 Quốc hội đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7% và lạm phát dưới 5%.NHNN trên cơ sở mục tiêu này đã xây dựng CSTT xuyên suốt là hỗ trợ cho tăng trưởng theo mục tiêu và đảm bảo an toàn hệ thống. Theo đó, tăng trưởng tín dụng 18-20%, tổng phương tiện tăng từ 16-18%.
Cho đến thời điểm này, các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá phù hợp với định hướng NHNN đưa ra từ đầu năm. Các thị trường ổn định, lạm phát vẫn ở mức thấp. NHNN khẳng định, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục điều hành theo định hướng đã đề ra và mục tiêu vẫn là tăng tín dụng 18-20%.
Điều đó có nghĩa, trong 5 tháng còn lại, lượng vốn bơm ra qua kênh tín dụng sẽ khá lớn.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 8,56 tỷ USD trong 7 tháng, tăng mạnh tới 15% (gấp đôi mức tăng 8% cùng kỳ năm trước) nhưng còn được dự báo tăng lên trong những tháng cuối năm. Nguồn vốn tự có của DN, người dân vào sản xuất cũng sẽ lớn.
Nhà đất ấm nhưng vàng, USD vẫn lạnh?
Theo Phó Thống đốc Hồng, tăng trưởng cung tiền và tín dụng tiếp tục mở rộng, thanh khoản dư thừa dồi dào cũng là định hướng để đảm bảo mặt bằng lãi suất thấp và hỗ trợ tăng trưởng GDP theo mục tiêu.
“Những năm trước, dư thừa thanh khoản lập tức có hiện tượng thị trường ngoại tệ xáo động, tỷ giá chịu áp lực tăng. Nhưng 2016, NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới, công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, giải tỏa tâm lý găm giữ nhiều. Nên diễn biến những tháng đầu năm, dư thừa nhưng tỷ giá vẫn rất ổn định, ngay cả khi Brexit cũng chỉ tăng nhẹ. Có ngày dư thừa, lãi suất liên NH thấp nhưng NHNN vẫn mua được ngoại tệ để tăng dự trữ”, bà Hồng cho biết.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN cho biết, thị trường ngoại tệ từ đầu năm đến nay diễn biến tích cực. Tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên NH giảm và tương đối ổn định trên mặt bằng mới quanh tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN (22.300 VND/USD). Thanh khoản thị trường tốt, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống TCTD mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế, nhờ đó, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Dự báo 6 tháng cuối năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, các yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá không mấy thuận lợi như nửa đầu năm do yếu tố mùa vụ, khả năng Fed tăng lãi suất, đồng NDT có thể suy yếu… NH VietinBank dự báo tỷ giá có thể tăng 2-3% nhằm tạo sức cạnh tranh cho xuất khẩu.
Mặc dù vậy, sự khả năng Fed tăng lãi suất vẫn đang được tranh cãi. Nguồn cung ngoại tệ hiện khá lớn nhờ dòng vốn FDI, kiều hối tăng cao. Dự trữ ngoại tệ của NHNN cũng tăng mạnh thời gian gần đây. Khả năng suy giảm của đồng NDT không còn lớn như trước.
Thị trường vàng trong khi đó khá trầm lắng bất chấp thế giới tăng mạnh.
Thị trường chứng khoán, theo đại diện một CTCK tại TP.HCM, khả năng sẽ được hưởng lợi nhờ dòng tiền nhiều hơn và các kênh đầu tư khác không mấy hấp dẫn.
Thị trường BĐS được dự báo vẫn đang được hưởng lợi cho dù nguồn cung hàng tăng mạnh bởi tín dụng cho BĐS vẫn khá dồi dào.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, riêng mảng cho vay mua nhà xã hội, Chính phủ cho phép và NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp tục giải ngân cho tới hết năm 2016. Tính tới cuối tháng 3, đã có 56.240 khách hàng được ký hợp đồng vay vốn, đạt 34.825 tỷ đồng, giải ngân 28.347 tỷ.
Trong khi theo bà Hồng, việc NHNN sửa đổi Thông tư 36 với một lộ trình thắt chặt tín dụng (trong đó có BĐS) phù hợp hơn cũng giải tỏa áp lực cho vay và lãi suất cho vay trong thời gian gần đây.
V.Hà