Giá vàng trong nước

Mở cửa thị trường ngày 11/7, giá vàng miếng trong nước tiếp tục niêm yết trên mức 50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 50,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,60 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 nghìn đồng so với ngày hôm qua chiều bán ra.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 50,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,72 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 50,70 triệu đồng/lượng.

Tới 18 giờ ngày 10/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 50,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 50,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,70 triệu đồng/lượng (bán ra).

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 180.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 49,93 – 50,53 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Khảo sát thị trường cho thấy, người bán vàng chủ yếu là cần tiền mặt hoặc một số nhà đầu tư chốt lời, vì trước đó mua được giá hơn 40 triệu đồng/lượng. Khách mua vàng là nhà đầu tư hoặc người dân thấy giá vàng tăng cao, lãi suất ngân hàng không hấp dẫn nên chuyển sang mua vàng.

{keywords}
Giá vàng hôm nay 

Giá vàng thế giới

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 5,91 USD, tương đương 0,3%, ở mức 1.802,60 USD. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York đã giảm 16,80 USD, tương đương 0,9%, ở mức 1.804,80 USD.

Giá vàng giảm khi nhà đầu tư chốt lợi nhuận. Giá vàng đã đạt mức cao nhất trong chín năm trong phiên trước đó. Theo một số chuyên gia, về trung hạn giá vàng sẽ tiếp tục tăng.

Giá vàng đã tăng 18% kể từ đầu năm nay, khi nhu cầu đối với các tài sản an toàn được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, đưa giá vàng gần chạm “đỉnh” của 9 năm là 1.817,71 USD/ounce vào phiên 8/7.

Theo số liệu mới nhất được Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố, trong tháng 6, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ đã lên tới 863 tỷ USD, tức là tăng 107 lần so với cùng kỳ năm ngoái, khi mức thâm hụt ngân sách chỉ là 8 tỷ USD. Ngoài ra, mức thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ trong cả tài khóa 2019 cũng chỉ lên tới 984 tỷ USD.

Cũng theo CBO, trong 9 tháng đầu tài khoá hiện nay, thâm hụt đã tăng thêm 2.000 tỷ USD so với năm ngoái, lên tới 2.700 tỷ USD. Trong khi đó, thu ngân sách liên bang kể từ đầu tài khóa 2020 (bắt đầu từ ngày 1/10/2019) lại giảm 13% so với năm ngoái, trong khi chi tiêu ngân sách tăng 50%.

CBO cho biết thâm hụt ngân sách tăng đột biến là do suy thoái kinh tế, hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hồi tháng 6, CBO ước tính thâm hụt ngân sách trong năm sẽ lên tới 4.000 tỷ USD.

Nhiều thành viên thị trường vẫn trông chờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục bơm tiền ra thị trường, giữ đà tăng cho chứng khoán toàn cầu trong tháng 7.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung càng lan rộng và một dòng tiền lớn đang đổ vào vàng đã khiến cho kim loại quý trở nên hấp dẫn.

Đông Sơn