Năm 2016 ngân sách thu được hơn 42.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường, thì có tới trên 40.000 tỷ đồng là từ xăng dầu. Tuy nhiên, cũng trong năm ngoái, ngân sách mới chi hết gần 12.300 tỷ đồng. Số chi ấy khiến nhiều người băn khoăn.
Tiền thu thuế bảo vệ môi trường tăng vọt
Theo thống kế, số thu thuế bảo vệ môi trường từ 2011 đến nay tăng vọt. năm 2011 số thu chỉ là hơn 11.000 tỷ, thì đến 2016 đã tăng lên hơn 42.300 tỷ. Lý do là từ tháng 7/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên gấp 3 lần, từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.
Số tiền thu tăng mạnh sau khi thuế bảo vệ môi trường tăng lên gấp 3, từ 7/2015 |
Từ mức chỉ chiếm 1,48% thu ngân sách năm 2011, thuế bảo vệ môi trường đã chiếm tới gần 4,1% tổng thu ngân sách năm 2016.
“Số thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng liên tục qua các năm đã góp phần ổn định nguồn thu thuế nội địa trong giai đoạn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, góp phần bù đắp một phần giảm thu ngân sách nhà nước do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế”, Bộ Tài chính nhận định.
Trong tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường, thì thu từ xăng dầu chiếm đến 99%.
Cụ thể, năm 2016, tổng thu là hơn 42.300 tỷ, thì riêng thu từ xăng dầu đã lên tới 40.211 tỷ đồng. Trong số thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu thì xăng cũng chiếm đa số với hơn 21.200 tỷ đồng.
Thu thuế bảo vệ môi trường với xăng chiếm tỷ trọng lớn vào ngân sách. Biểu đồ: Lương Bằng |
Khi nhìn vào tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường trong ngân sách, Phòng Thương mại và Công nghiệp - VCCI, nhận xét: Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách.
"Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỷ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia", VCCI nhận định.
VCCI cho rằng, xét về dài hạn, việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Nó làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.
Theo VCCI, thuế bảo vệ môi trường, cũng giống như thuế tiêu thụ đặc biệt, là một nguồn thu không bền vững. Nếu các loại thuế này đóng góp đáng kể trong tổng thu ngân sách sẽ khiến Nhà nước bị đặt vào vị trí xung đột lợi ích, vì một mặt Nhà nước có chính sách hạn chế tiêu dùng một số loại mặt hàng, nhưng mặt khác, bộ máy Nhà nước lại được nuôi từ chính mặt hàng đó.
Thu nhiều, chi không hết
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường là chi cho mục đích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường công cộng, chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường (như hoạt động điều tra, thống kê chất thải, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; xây dựng năng lực tái chế chất thải, xử lý chất thải nguy hại, hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý, chôn lấp chất thải, hỗ trợ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,... ).
Trong tổng số 42.300 tỷ thu được năm 2016, ngân sách đã chi khoảng 12.290 tỷ đồng, đạt 1% tổng chi ngân sách.
Tỷ lệ thu - chi thuế bảo vệ môi trường từ 2012-2016. Biểu đồ: L.Bằng |
Năm 2012-2016, thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng gấp 4 lần, từ 11.160 tỷ đồng lên 41.924 tỷ đồng. Có nghĩa, trong 4 năm số thu đã tăng 30.000 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2012 là 9.000 tỷ, thì năm 2016 cũng chỉ dừng ở mức 12.290 tỷ, tăng hơn 3.000 tỷ.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Vì là thuế chứ không phải phí, cho nên thu thuế bảo vệ môi trường là cho vào ngân sách nói chung, không phải thu đồng nào là chi trực tiếp đồng ấy cho môi trường. Sau đó, ngân sách sẽ đảm bảo bố trí 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ chi ngân sách nhà nước.
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long đánh giá đúng là tồn tại thực tế số thu từ thuế bảo vệ môi trường rất lớn nhưng chi lại không tương xứng và không phải ai cũng biết nó được chi thế nào.
"Thu đúng mục đích, chi đúng mục đích, đồng thời phải hiệu quả là điều mà loại thuế, loại phí nào cũng phải giải trình được khi đề xuất thay đổi", ông Long nói.
Lương Bằng