Việc Bộ Tài chính dự tính nâng khung thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít tiếp tục được “hâm nóng” những ngày đầu năm. Từ giới kinh doanh taxi cho đến các nhà kinh tế, đại diện DN đều cảm thấy lo lắng.

Cuộc họp bất ngờ từ đề xuất nâng thuế

Dọc đường chở khách đi từ Hà Đông vào Trường Chinh, anh Vinh - tài xế taxi bỗng nhận được điện thoại thông báo tin sốc. Anh Vinh thốt lên qua điện thoại: “Tăng 8.000 á? Sao như thế được!”.

Hạ máy, anh thất thần. Khi nghe giải thích đó mới chỉ là đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên cao nhất 8.000 đồng/lít, không phải là tăng giá xăng 8.000 đồng/lít, anh Vinh vẫn không yên tâm. 

“Đưa mức ấy thì nếu có ngày tăng tối đa như thế thì giá xăng sẽ tới bao nhiêu, tăng thế bọn em chạy xe sao được. Tăng cước kiểu gì khách cũng giảm”, Vinh lo ngại. 

{keywords}
Tài xế taxi lo ngại việc tăng thuế môi trường với xăng. Ảnh: L.Bằng

Chỉ trong phút chốc, người lái taxi này đã tính được ngay tác động của việc nâng khung thuế đến sinh kế của mình.

Chuyện thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng khiến giới nghiên cứu kinh tế không thể ngồi yên.

9h sáng Chủ nhật (5/2), tại một quán café trên phố Liễu Giai (Hà Nội), khoảng 10 nhà nghiên cứu kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, các chuyên gia tư vấn độc lập,... đã có một buổi họp mặt để bàn về vấn đề thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Mục đích cuộc gặp là xây dựng một “nhóm nghiên cứu tình nguyện” đánh giá các tác động cụ thể của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đến người dân, DN, nền kinh tế cũng như môi trường; lộ trình áp dụng thế nào; lợi ích các bên như ngân sách, người dân, DN ra sao,... với những con số được định lượng.

Kết quả nghiên cứu của nhóm sẽ được gửi tới các cơ quan thẩm quyền để góp thêm tiếng nói có trách nhiệm cho một vấn đề quan trọng.

Cầm tập hồ sơ về dự thảo nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính, các nhà kinh tế đều đồng thuận với nhận định rằng tài liệu chưa thể hiện hết được các vấn đề liên quan. Và mục đích của việc nâng thuế môi trường thông thường là thu ngân sách và kiểm soát phát thải môi trường, nhưng yếu tố tăng thu do thuế nhập khẩu giảm lại được thể hiện có phần đậm nét hơn trong những tài liệu được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.

Không nên chỉ tập trung vào xăng dầu

Nhiều chuyên gia được hỏi cũng bày tỏ ý kiến khi hồ sơ Bộ Tài chính đưa ra chỉ thấy mục tiêu tăng thu trong đề xuất nâng thuế, chưa có căn cứ cụ thể để làm cơ sở chọn mức thuế tối đa là 8.000 đồng/lít xăng.

{keywords}
Nâng khung thuế được Bộ Tài chính giải thích là để bù đắp nguồn thu do thuế nhập giảm.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia không khỏi bất ngờ khi chỉ thấy sự hiện diện của mặt hàng xăng dầu và túi ni lông. Trong khi đó, than đá - một nguồn gây ô nhiễm không hề ít thì lại không được đề cập đến việc sửa đổi khung thuế bảo vệ môi trường lần này.

“Đáng ra, Bộ Tài chính không nên chỉ tập trung vào thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vốn đã chịu nhiều thuế phí. Mặt hàng than cũng gây ô nhiễm còn nhiều hơn cả xăng dầu tại sao lại không được tính đến? Thuế bảo vệ môi trường với than hiện nay cũng đang ở mức rất thấp. Điều đó chẳng khác gì khuyến khích người ta sử dụng nguồn nhiên liệu có nguy cơ ô nhiễm cao” - một chuyên gia bình luận.

Vấn đề thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng được đề cập tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngay sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu vừa qua.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là từ 3.000 - 8.000 đồng/lít mới đang trong quá trình soạn thảo xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân, chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận vấn đề này.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình dự thảo Luật Thuế Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài chính phải hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến kinh tế - xã hội trong trước mắt và lâu dài,... để báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận trước khi trình Quốc hội quyết định.

“Việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường nói chung và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng nói riêng được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng lưu ý.

Lương Bằng