Trong bối cảnh thị trường vàng thế giới giao dịch tích cực từ giữa tháng 8 đến nay, thị trường trong nước lại giao dịch trong trạng thái thanh khoản thấp kèm chênh lệch giá mua - bán tăng cao. Diễn biến khiến người mua vàng trong nước giai đoạn này là bên chịu thiệt nhiều nhất.

Trên thị trường thế giới, giá vàng châu Á hiện dao động trên dưới vùng 1.820 USD/ounce, tăng gần 5 USD so với đóng cửa cuối tuần trước. Đây cũng là vùng giá cao nhất mà vàng giao ngay ghi nhận được trong tháng 8 này.

So với mức đáy gần nhất vào giữa tháng, giá vàng thế giới đã tăng một mạch từ vùng 1.720 USD/ounce lên mức hiện tại, tương đương mức tăng ròng gần 100 USD sau 2 tuần.

Trong khi đó, trước việc hầu hết cơ sở kinh doanh vàng phải tạm dừng hoạt động vì giãn cách xã hội, thị trường vàng trong nước nhiều tuần nay đã giao dịch trong trạng thái ảm đạm với thanh khoản rất thấp và chênh lệch giá mua - bán cao.

Trong phiên đầu tuần hôm nay, nhờ xu hướng tăng của vàng thế giới mà giá vàng trong nước cũng ghi nhận mức tăng lên vùng cao nhất tháng 8.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,6 - 57,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng so với cuối tuần trước. So với giá bình quân cả tuần trước đó, vàng miếng SJC hiện tại cũng cao hơn khoảng 200.000 đồng/lượng.

{keywords}
 

Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá giao dịch vàng miếng sáng nay phổ biến ở 56,5 triệu/lượng (mua) và 57,4 triệu/lượng (bán), không thay đổi so với cuối tuần trước.

Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chỉ chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 56,25 triệu/lượng, nhưng bán ra lên tới 57,85 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng miếng tại DOJI đang chịu khoản lỗ 1,6 triệu đồng mỗi lượng.

Mức chênh lệch giá mua - bán vàng miếng tại DOJI kể trên có nguyên nhân từ việc thanh khoản mặt hàng vàng miếng thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp không được tự chủ sản xuất mà chỉ đứng vai trò mua đi bán lại.

Vì vậy khi nhiều thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân không thể đi mua bán vàng dẫn tới các doanh nghiệp cũng bị hạn chế nguồn cung và đẩy giá bán tăng cao.

Tương tự, chênh lệch giá mua - bán vàng nhẫn do các doanh nghiệp chế tác hiện cũng phổ biến ở mức 1-2 triệu/lượng.

Các chuyên gia đều cho rằng hiện tại không phải thời điểm thích hợp để người dân mua vàng đầu tư khi chênh lệch giá trong nước và thế giới vẫn ở mức 7 triệu đồng/lượng.

{keywords}
 

Trong khi đó, người mua sẽ phải chịu thêm khoản lỗ cả triệu đồng từ chênh lệch giá mua - bán vàng trong nước.

Trong tuần này (30/8-3/9), thị trường vàng thế giới được dự báo tiếp tục đà tăng khi những phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang gây áp lực lên đồng USD và tác động tích cực lên giá vàng.

Cuộc khảo sát của Kitco với 16 chuyên gia phân tích phố Wall cho kết quả 9 người (56%) dự báo giá vàng tăng trong tuần này. Ngược lại, chỉ 4 nhà phân tích (25%) cho rằng giá vàng sẽ đi xuống và 3 người khác (19%) đưa quan điểm trung lập.

Kết quả tương tự cũng ghi nhận trong cuộc khảo sát với 801 nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Trong đó, 398 người (gần 50%) cho rằng giá vàng sẽ tăng tuần này, 243 người khác (30%) đưa quan điểm vàng giảm giá và 180 người còn lại (20%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang vùng 1.815 USD/ounce.

(Theo Zing)

Giá vàng hôm nay 30/8: Bất ổn gia tăng, vàng thêm sức mạnh

Giá vàng hôm nay 30/8: Bất ổn gia tăng, vàng thêm sức mạnh

Giá vàng giao ngay tăng  lên 1.816 USD/ounce trong bối cảnh ảnh hưởng của tình hình bất ổn tại Afghanistan.