Theo South China Morning Post, theo nghĩa rộng nợ Trung Quốc có thể chia thành hai loại: nợ trong nước và nợ nước ngoài. Theo đó, nợ trong nước của Trung Quốc được tính bằng đồng NDT, bao gồm nợ doanh nghiệp, nợ gia đình và nợ chính phủ (nợ công).

Nợ doanh nghiệp bao gồm các khoản vay từ khu vực tư nhân và các công ty nhà nước, trong khi nợ công Trung Quốc là sự kết hợp giữa nợ chính phủ và nợ địa phương. Nợ gia đình là nợ từ mọi thành viên trong một hộ gia đình, bao gồm nợ tiêu dùng và các khoản vay thế chấp.

Nợ nước ngoài của Trung Quốc tính bằng các loại tiền khác ngoài NDT, bao gồm các công ty tư nhân vay tiền từ ngân hàng nước ngoài, tín dụng liên quan đến thương mại cho các công ty Trung Quốc từ đối tác nước ngoài và chứng khoán nợ do các công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài.

{keywords}
Trung Quốc là chủ nợ của nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới qua Sáng kiến "Vành đai và Con đường". Ảnh: SCMP.

Thế giới nợ Trung Quốc bao nhiêu?

SCMP cho biết trong những năm qua, Trung Quốc đã tích cực cho các nền kinh tế mới nổi như châu Phi vay nợ. Hầu như toàn bộ các khoản cho vay này đều đến từ chính phủ Trung Quốc hoặc các công ty do Nhà nước kiểm soát.

Thường Trung Quốc không tiết lộ chi tiết các điều khoản của những khoản vay với chính phủ các nền kinh tế mới nổi này. Trung Quốc cũng là một chủ nợ lớn của chính phủ Mỹ. Tính đến hết tháng 3/2020, Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD nợ công của chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc đang mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài bằng các khoản vay do nhà nước hậu thuẫn theo sáng kiến Vành đai và Con đường, một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng để kết nối các tuyến đường từ Trung Quốc đến châu Á, châu Phi và châu Âu.

Như vậy, Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất thế giới đối với các nước thu nhập thấp, theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IFF) công bố vào tháng 5/2020. Các khoản nợ tồn đọng mà Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới vay đã cán mốc 5.500 tỷ USD, tức tăng hơn 875 tỷ USD trong giai đoạn 2004-2019. Con số này xấp xỉ 6% GDP toàn cầu.

{keywords}
Nợ nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: SCMP.

Mặc dù là chủ nợ của nhiều quốc gia trên thế giới, Trung Quốc đồng thời là một trong những con nợ với số tiền vay khổng lồ. Viện Tài chính Quốc tế (IFF) ước tính tổng nợ trong nước của Trung Quốc đã đạt mức 317% GDP trong quý I năm 2020.

Trước đó trong quý IV năm 2019, nợ trong nước của Trung Quốc giữ ở mức 300%, là mức tăng hàng quý lớn nhất trong lịch sử. Trong đó, nợ tiêu dùng là phân khúc nợ tăng trưởng nhanh nhất, đặc biệt dưới hình thức thế chấp và cho vay tiêu dùng.

Nợ nước ngoài tăng vọt

Nợ hộ gia đình tăng 54,3% GDP Trung Quốc trong quý cuối năm 2019, so với con số 51,4% cùng kỳ năm 2018. Nợ nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm các khoản nợ bằng USD, đạt 2.050 tỷ USD vào cuối năm 2019, so với 2.030 tỷ USD trong quý III/2019, theo số liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc.

Hầu hết khoản nợ của chính phủ địa phương Trung Quốc được nắm giữ bởi các tổ chức tài chính nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát. Trong nhiều thập kỷ qua, chính quyền địa phương đã dựa vào bảng cân đối kế toán vay mượn từ các phương tiện tài chính địa phương (LGFV).

Nhiều khoản vay trong số này không được ghi nhận rõ ràng và thiếu tính minh bạch. Ước tính các khoản nợ ẩn như vậy có giá trị khoảng 30.000-40.000 tỷ NDT (tương đương 4.200-5.600 tỷ USD). Trung Quốc cũng đã phát hành 4.360 tỷ NDT trái phiếu (khoảng 614 tỷ USD) địa phương trong năm 2019.

Hầu hết khoản vay này được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước như ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chính sách có hoạt động đầu tư và hỗ trợ cho vay các chính sách của chính phủ.

{keywords}
Nợ nước ngoài của Trung Quốc ước tính xấp xỉ 2.050 tỷ USD. Ảnh: SCMP.

Thị trường trái phiếu Trung Quốc bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu do công ty tư nhân phát hành, cùng với các loại chứng khoán. Thị trường trái phiếu Trung Quốc xếp thứ ba trong danh sách những thị trường lớn nhất thế giới, đã chứng kiến mức tăng trưởng đều đặn hơn 13.000 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm quỹ đầu tư, nhà quản lý tài sản, quỹ phòng hộ,.. nắm giữ 2.190 tỷ NDT (308 tỷ USD) trái phiếu Trung Quốc năm 2019, tăng vượt bậc từ mức 457,8 tỷ NDT (64,4 tỷ USD) năm 2018. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 2% trong tổng lượng trái phiếu được phát hành.

(Theo Zing)