Có trường hợp biết rõ những sàn này sẽ sập song vẫn tham gia vì nghĩ rằng có thể "rút" trước khi sàn sập và hưởng lãi.

Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh vụ việc sàn tiền ảo Wolf Broker bất ngờ bị sập, không thể thanh khoản. Cộng đồng nhà đầu tư hoang mang vì không thể rút tiền. Sau đó, nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố cáo chủ dự án này đến Cơ quan Công an. Theo nội dung đơn tố cáo của nhà đầu tư, chỉ riêng một “nhánh” của sàn này ước tính đã có khoảng 800 nhà đầu tư, với tổng số tiền đầu tư hơn 120 tỉ đồng.

Nạn nhân đầu tư cũng có thể vi phạm pháp luật

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, điểm nhận biết mô hình đa cấp lừa đảo nằm ở việc họ không tập trung vào ứng dụng sản phẩm, dịch vụ mà chỉ chú trọng lôi kéo được nhiều người tham gia nhất có thể. "Càng rủ rê được nhiều người, càng có lợi nhuận cao hơn", ông Thịnh nói.

{keywords}
Giao diện web Wolfbroker.co trước khi sập. Ảnh: IT.

Sau khi tìm hiểu về mô hình hoạt động của sàn tiền ảo Wolf Broker, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thực chất, sàn này hoạt động theo hình thức đa cấp trái phép, trả lãi theo nhiều tầng. Hình thức lôi kéo người dân tham gia đầu tư với lãi suất cao mà không cần làm gì, không có rủi ro là dấu hiệu lừa đảo đã quá quen thuộc của các tổ chức đa cấp trái phép. Các cơ quan chức năng và báo chí đã cảnh báo nhiều năm qua.

"Với những mô hình đa cấp trái phép, hay còn gọi là mô hình kim tự tháp thì những người tự nhận mình là nạn nhân cũng có thể vi phạm pháp luật nếu lôi kéo người khác tham gia vào. Những đối tượng ở trên "đỉnh tháp" nắm giữ các khoản tiền do thành viên mới đóng vào, chỉ những người ở "đáy tháp" mới là nạn nhân thực sự", luật sư Thái phân tích.

Trực tiếp trao đổi với một số nhà đầu tư Wolf Broker, chúng tôi nhận ra rằng đa phần họ đều không phải là tay mơ trong cuộc chơi này. Một số trường hợp cho biết cũng chào mời người khác tham gia và được hưởng lãi suất theo tầng.

Nếu nhìn kỹ nhà đầu tư có thể thấy các sàn mới mở ra đều có nét giống với sàn đã sập, chỉ là khoác lên một chiếc “áo mới” với những chiêu thức mới để dẫn dụ nhà đầu tư. Các sàn tiền ảo này đều đăng ký tên miền ở nước ngoài, máy chủ ở nước ngoài nên rất khó kiểm soát, xử lý, cơ quan quản lý cũng khó làm việc được với các sàn này. Nhiều nhà đầu tư biết quá rõ những việc này.

Trao đổi với một người từng tham gia vào các hệ thống này dưới góc độ là chuyên gia kỹ thuật thì chúng tôi được biết, về mặt kỹ thuật việc xây dựng một sàn giao dịch theo phiên bản các sàn giao dịch forex, hay đầu tư tiền ảo không phải là quá khó. Chỉ cần đầu tư tiền thì sẽ có thể có cách tìm được phiên bản mẫu và bỏ tiền mua “bản quyền” về để thiết kế lại theo yêu cầu và mục đích của mình, khá giống với việc nở rộ các sàn cá cược bóng đá lâu nay.

Theo chuyên gia đầu tư tài chính Nguyễn Duy Phương - Giám đốc quỹ đầu tư DG Investment - có nhiều nguyên nhân khiến cho các sàn tài chính ảo có thể dễ dàng lừa người dùng. Tuy nhiên, quan sát cuộc chơi này thời gian qua chúng ta có thể nhận thấy một hiện tượng rất nguy hiểm đó là có người sau khi bị lừa đảo lại tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc. Điều này chính là lý do giải thích tình trạng các sàn lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều.

{keywords}
Một sự kiện của sàn tiền ảo Wolf Broker tổ chức tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) vào tháng 11.2020. Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp.

Đối diện mức phạt nào?

Theo luật sư La Văn Thái, hành vi lừa đảo thông qua đầu tư tài chính trên sàn tiền ảo hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự, với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

"Mức phạt cao nhất của tội này là tù chung thân, có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", luật sư Thái nói.


Video Phạm Tuấn, một trong các thủ lĩnh của sàn tiền ảo Wolf Broker livestream giới thiệu cơ hội đầu tư thu hút hàng ngàn lượt xem. Video: PV.

Luật sư Thái cũng lưu ý một số tình tiết tăng nặng có thể được xem xét đến như hoạt động kêu gọi diễn ra có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp và số tiền chiếm đoạt lớn...

Bên cạnh đó, hành vi kêu gọi tham gia hoạt động đa cấp trái phép cũng có thể bị khởi tố với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015).

"Mức phạt cao nhất cho tội danh này là 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", Luật sư Thái phân tích.

(Theo Lao Động)

Cơ hội triệu đô, chuyên gia đọc lệnh, thủ lĩnh huyền thoại: Đầu tư Forex, lãi khủng hay mất trắng?

Cơ hội triệu đô, chuyên gia đọc lệnh, thủ lĩnh huyền thoại: Đầu tư Forex, lãi khủng hay mất trắng?

Các sàn forex vẽ ra một ước mơ làm giàu nhanh chóng, nhưng cuối cùng người tham gia chỉ nhận được kết cục đó là mất tiền.