Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã bước sang giai đoạn 2. Tuy nhiên, “mạch máu của nền kinh” tế vẫn chưa thông khi nhiều ngân hàng chịu áp lực nợ xấu rất lớn. Đây là điểm nghẽn lớn đối với tăng trưởng kinh tế và cần chung tay xử lý.

Áp lực nợ xấu lớn

Hai năm đã trôi qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (CTG) vẫn chưa thể sáp nhập xong Ngân hàng PGBank. Đây là thông tin được đại diện VietinBank đưa ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2017.

Hiện tại, VietinBank đã thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định lại giá trị cổ phiếu PGBank và đang trong quá trình đàm phán và thống nhất với đối tác để báo cáo lại cơ quan quản lý về thương vụ này.

Quá trình sáp nhập PGBank vào VietinBank vẫn chưa có kết quả, cho dù cách đây 2 năm, các bên đã công một kế hoạch khá rõ ràng với việc VietinBank sẽ phát hành 270 triệu cổ phiếu dùng để hoán đổi lấy 300 triệu cổ phiếu của cổ đông PGBank theo tỷ lệ 1: 0,9.

{keywords}
Tái cơ cấu ngân hàng còn nhiều khó khăn.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc hoán đổi theo kế hoạch cũ bất lợi cho VietinBank và có lợi hơn cho cổ đông PGBank. VietinBank là một ngân hàng hàng đầu trong hệ thống, trong khi PGBank là một ngân hàng nhỏ, hoạt động tín dụng không hiệu quả, nợ xấu cao.

Cách thức dùng một ngân hàng tốt để xử lý một ngân hàng yếu kém tỏ ra không thuận trong bối cảnh nhiều ngân hàng lớn đã cổ phần hóa và niêm yết trên TTCK. Cổ đông của các ngân hàng tốt không muốn “ôm” cổ phiếu xấu.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - một trong những NH thực hiện sáp nhập để tái cơ cấu đầu tiên - cũng có kết quả chưa khả quan. Năm 2016, NH này cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm nhưng tất cả đều ở mức thấp. Khoản nợ xấu 14 ngàn tỷ đồng vẫn là áp lực rất lớn đối với SCB và có chiều hướng gia tăng.

Trước đó, câu chuyện thất thoát gần chục ngàn tỷ đồng trong vụ Ngân hàng Xây dựng (VNCB) cũng phần nào cho thấy những khó khăn và sự nghiệt ngã trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng. Việc chuyển các NH yếu kém, nợ xấu chồng chất cho cá nhân xử lý đã không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí còn phản tác dụng do NĐT cá nhân nguồn lực hạn hẹp, ít tiền.

Một số cặp ngân hàng sau sáp nhập thành công vẫn đang rất khó khăn. Nhiều năm sau khi Đặng Văn Thành và Trầm Bê rút khỏi Sacombank, ngân hàng này vẫn chưa ổn định xong nhân sự và tình hình kinh doanh đi xuống.

Kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của STB trong năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc sáp nhập lại SouthernBank “rách nát” với lợi nhuận giảm gần 64% xuống còn hơn 530 tỷ đồng do chi phí hoạt động tăng; tỷ lệ nợ xấu lên tới 5,4%, mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết cũng như mức trung bình của toàn ngành.

Giải pháp đồng bộ, chung tay xử lý 

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2. Tuy nhiên, “mạch máu của nền kinh” tế vẫn chưa thông với nhiều ngân hàng còn chịu áp lực nợ xấu rất lớn. Đây là điểm nghẽn lớn đối với tăng trưởng kinh tế và cần chung tay giải quyết.

TS Võ Trí Thành cho rằng, xử lý nợ xấu cần phải nhìn vào lợi ích tổng thể, không phải lợi ích các bên. Nợ xấu là cuộc chơi tất cả cùng thua, nhưng làm sao thua thấp nhất và lợi ích dài hạn mang lại có thể bù đắp những thiệt hại trước đó.

Ông Võ Trí Thành coi việc xử lý nợ xấu là đại sự, gần như sống còn để phát triển kinh tế.

{keywords}
Nợ xấu: Tháo sớm để khỏi đứt xích.

Trong một tham luận, TS. Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng, xử lý nợ xấu gắp nhiều khó khăn, vướng mắc do khuôn khổ pháp lý, cơ chế thực thi,... còn nhiều bất cập. Xử lý nợ xấu thời gian qua về cơ bản không cấp tiến, năng lực tài chính VAMC hạn chế, trong khi thiếu chính sách huy động NĐT trong và ngoài nước tham gia và thiếu sự phối hợp giữa các ngành để xử lý tổng thể về thị trường trong tái cơ cấu ngân hàng.

Theo ông Trần Du Lịch, cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ để xử lý nợ xấu. Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình xử lý nợ xấu; bổ sung năng lực tài chính cho VAMC; cần cơ chế phối hợp liên ngành, trung ương - địa phương.

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ; hoàn thiện các quy định tài chính về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại, cổ phần hóa, xóa nợ, cơ cấu lại nợ, hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp. Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản của Công ty VAMC,...

Chính phủ cần chỉ đạo, đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp Nhà nước, chủ động thực hiện cơ cấu lại, thoái vốn khỏi các TCTD theo lộ trình đã được phê duyệt; tích cực tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD mà DNNN có cổ phần, vốn góp.

Có thể thấy, việc tái cơ ngân hàng bằng các biện pháp như: đưa nợ xấu về VAMC hay sáp nhập không mang tính thị trường, rồi tái cơ cấu bằng tiền vay nặng lãi như trường hợp VNCB,... sẽ không mang tới một kết quả bền vững.

Chính phủ hiện đang xem xét dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Nhiều khả năng, thời gian tới, việc xử lý nợ xấu sẽ có bước đột phá.

M. Hà