CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh HSC (HCM) vừa công bố kế hoạch và nội dung tổ chức đại hội cổ đông thương niên vào ngày 25/4 tới, với dự tính lợi nhuận trước thuế 2019 tiếp tục ở mức cao, đạt trên 850 tỷ đồng.
Theo đánh giá của HCM, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ trở lại nhịp tăng trưởng và sôi động.
Nhiều dự báo cũng cho rằng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục vào các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, sau khi có thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sớm chấm dứt.
HCM cũng cho biết kế hoạch doanh nghiệp đưa ra dựa trên những tính toán mang tính thận trọng. Trong năm 2019, HCM đã chuẩn bị cho một mảng kinh doanh mới: kinh doanh chứng quyền có đảm bảo. HSC cho biết công ty đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý và đủ điều kiện để tham gia giao dịch sản phẩm chứng quyền có đảm bảo.
Trước đó, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông trùm Nguyễn Duy Hưng cũng công bố kế hoạch doanh thu gần 3,8 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trên 1,7 ngàn tỷ đồng trong năm 2019. Chỉ tiêu 2019 được đặt ra dựa trên giả định thị trường chứng khoán lạc quan.
Trong năm 2018, dù cho đa phần các quỹ và nhà đầu tư thua lỗ, các CTCK lớn vẫn kiếm đạm. Lợi nhuận của 4 ông trùm SSI, HSC, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Chứng khoán Techcombank (TCBS) của ông Hồ Hùng Anh tiếp tục lập đỉnh mới.
Nguyễn Duy Hưng. |
Tổng lợi nhuận của top 30 CTCK lớn nhất trong năm 2018 tăng 25%. Top 3 gồm SSI, TCBS, Bản Việt ghi nhận tổng lợi nhuận gần 4,2 ngàn tỷ đồng, đều tăng trên dưới 20%.
Gần đây, dòng vốn ngoại đổ vào các CTCK khá mạnh.
Hồi cuối tháng 3, Chứng khoán MB bất ngờ hé lộ đối tác chiến lược nước ngoài. Công ty này đang đàm phán với một tổ chức kinh doanh chứng khoán hàng đầu tại châu Á. MBS cũng đưa ra nhiều kế hoạch lớn trong năm 2019. Trong năm 2018, MBS ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 8,4 lần năm 2017.
Dòng vốn ngoại cũng đang chảy vào các CTCK nhỏ khiến giá cổ phiếu tăng mạnh. Hàng trăm tỷ đồng vốn Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn,... dồn dập đổ vào và nhiều trăm tỷ nữa dự kiến sẽ đến trong năm 2019.
Cổ phiếu CSI của CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam trong tháng 3 vừa qua ghi nhận cú tăng ấn tượng, 10 ngày tăng 3 lần và trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán.
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam tiền thân là CTCK Phượng Hoàng, thành lập năm 2008 với vốn điều lệ là 35 tỷ đồng. CTCK Phượng Hoàng trước hoạt động khá mờ nhạt trong khoảng thời gian gần 10 năm. Đến giữa 2016, Chứng khoán Phượng Hoàng chính thức đổi chủ khi 15 cổ đông cũ chuyển nhượng 100% vốn cổ phần cho các cá nhân khác và tăng vốn 2 lần lên 168 tỷ đồng.
Trong lần tăng vốn gần đây nhất từ 60 lên 168 tỷ đồng, 2 cá nhân đến từ Trung Quốc chi 108 tỷ đồng để sở hữu tổng cộng 64,3%. Cụ thể, ông Wang Weiya nắm giữ 38,6% và ông Li Youmu (sinh 1986) nắm 25,7% vốn.
Những năm gần đây, TTCK Việt Nam chứng kiến xu hướng các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kong, Hàn Quốc và Nhật Bản đổ tiền vào thâu tóm các CTCK quy mô vừa và nhỏ. Trong năm 2017, hàng loạt vụ đổi chủ đã xảy ra.
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) nhận được sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc. Cho tới cuối 2018, phần lớn cổ phần của IVS thuộc về các NĐT Trung Quốc, trong đó Dazhong International nắm giữ hơn 22,4%, Pan Zhirong gần 12%. Ông Hao Dan (chủ tịch HĐQT) nắm 2,54%....
Cuối 2017, Chứng khoán Đệ Nhất đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài sau khi cựu chủ tịch Lê Minh Tâm chuyển nhượng 16,6 triệu cổ phiếu FSC cho Yuanta Securities của Hồng Kông.
Hồi cuối 2017, Chứng khóa Woori CBV đã đổi chủ trong tình trạng giống CSI là: lỗ lũy kế. Tổng cộng 15 cá nhân Chứng khóa Woori CBV đã bán gần 13 triệu cổ phần cho NH Investment & Securities Co.,Ltd của Hàn Quốc.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán mạnh khiến hầu hết các cổ phiếu giảm giá, từ nhóm dầu khí cho tới bất động sản, xây dựng. Nhóm tài chính và ngân hàng tích cực hơn đôi chút. Các cổ phiếu tăng điểm ngược thị trường gồm có: HCM, SSI, Vietcombank, Bảo Việt, BIDV…
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường nhiều khả năng sẽ hồi phục tăng điểm trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ 983- 986 điểm trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đang có chiều hướng gia tăng khi nhiều nhóm cổ phiếu đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể về giá trong giai đoạn này.
Còn theo KIS, ngưỡng 1.000 điểm trở thành kháng cự mạnh trong ngắn hạn, qua đó đẩy thị trường đi xuống. Rủi ro gia tăng, vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng và giảm tỷ lệ cổ phiếu về mức an toàn nếu thị trường có những diễn biến xấu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/4, VN-Index giảm 9,08 điểm xuống 988,48 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm xuống 107,71 điểm. Upcom-Index giảm 0,19 điểm xuống 56,58 điểm.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 10/4, thị trường tiếp tục suy yếu với thanh khoản thị trường ở mức khá thấp. Các cổ phiếu dòng dầu khí và ngân hàng diễn biến tiêu cực như: Petrolimex, GAS, ACB, PVS…
Cổ phiếu CTD của đại gia Nguyễn Bá Dương tiếp tục giảm mạnh thông tin tiêu cực tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 hôm 9/04.
Ở chiều ngược lại, Vingroup và Vinamilk tăng nhẹ giúp cân bằng thị trường.
Tính tới thời điểm 10h40, Vn-Index giảm 7,36 điểm xuống 980,85 điểm; Hnx-Index giảm 0,39 điểm xuống 107,31 điểm và Upcom-Index giảm 0,07 điểm xuống 56,49 điểm.
H. Tú