Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận sau thuế đạt 70,6 tỷ đồng, tăng cao gấp 6,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 34,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, KBC ghi nhận doanh thu thuần đạt gần hơn 2.750 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, tăng 7,5 lần. Mặc dù vậy, tính chung trong 6 tháng, lợi nhuận cũng mới hoàn thành 39% kế hoạch 2.000 tỷ đồng cho cả năm 2021.

Nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh đang bùng lên và có thể sẽ dẫn tới những kết quả tiêu cực trong quý III.

Dù vậy, theo ông Tâm, năm 2020, Việt Nam rất tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh nên vẫn thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình vẫn rất tốt, đặc biệt chính sách tiêm vaccine cho công nhân và không đóng cửa doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động nên đóng góp GPD có thể đạt 6,5%.

bien-dong-chi-so-chung-khoan-vn-index-ngay-12-08-2021
Biến động chỉ số VN-Index.

Theo thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 16,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Các doanh nghiệp lớn của nước ngoài vẫn đặt niềm tin rất lớn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp niêm yết huy động vốn tốt, tạo niềm tin cho thị trường sắp tới.

Ông Tâm hy vọng chỉ trong vài tháng nữa, Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại TP.HCM nói riêng, Hà Nội và các tỉnh thành nói chung, các chính sách của Việt Nam sẽ sớm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn vào các nước đã kiểm soát được dịch bệnh thì tiêu dùng, du lịch, hàng không… tăng lên, thúc đẩy kinh tế trong nước tăng, sản xuất cung ứng tăng. Với vai trò nhà sản xuất công nghiệp, KBC vẫn mở rộng, xây dựng khu công nghiệp.

Theo ông Tâm, thực tế cho thấy, tại Mỹ và EU, khi có vaccine thì 1 - 2 tháng là kiểm soát được dịch nhất định và các quốc gia này còn không áp dụng giãn cách.

Hiện KBC có quỹ đất khu công nghiệp rất lớn, khoảng 10.000ha. Đòng vốn FDI từ các tập đoàn lớn đổ vào Việt Nam như Samsung, Apple… Không những thế, KBC dự kiến sẽ tham gia vào BĐS nhà ở với các dự án khổng lồ như khu đô thị Tràng Cát 581ha tại Hải Phòng…

Nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tốt. Nam Tân Uyên muốn chia cổ tức 2020 tỷ lệ 100%.

Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mở khu công nghiệp để đón sóng đầu tư vào Việt Nam nhiều doanh nghiệp lớn cũng đổ tiền vào lĩnh vực này như: Viglacera, Gilimex, Sonadezi, Hanaka, Hòa Phát…

Tại các địa phương, nhiều khu công nghiệp đã được cấp phép mới hoặc khu công nghiệp cũ được mở rộng quy mô như tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM.

Trong năm 2020, Việt Nam thực sự trở thành tâm điểm của thế giới trong năm 2020, thu hút FDI năm 2020 đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt 19,98 tỷ USD bằng 98% so với cùng kỳ. Trong đó, Châu Á tiếp tục là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong năm 2020 dẫn đầu là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 12/8

Chiều 12/8, kịch bản lặp lại phiên hôm qua. Sau khi tăng vào buổi sáng, áp lực chốt lời tăng lên trong buổi chiều và khiến thị trường chứng khoán đảo chiều giảm điều. 

Chốt phiên chiều 12/8, chỉ số VN-Index giảm 4,74 điểm xuống 1.353,05 điểm. HNX-Index giảm 0,11 điểm xuống 334,33 điểm. Upcom-Index giảm 0,04 điểm xuống 91,98 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 27,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, thấp hơn một chút so với phiên liền trước. Riêng sàn HOSE đạt hơn 22,7 nghìn tỷ đồng.

Cổ phiếu Masan giảm 2.600 đồng xuống 134.000 đồng/cp; Thế Giới Di Động giảm 5.000 đồng xuống 170.000 đồng/cp; FPT giảm 2.300 đồng xuống 93.800 đồng/cp; Sabeco giảm 1.100 đồng xuống 153.100 đồng/cp; Sacombank giảm 800 đồng xuống 29.600 đồng/cp…

Một số mã cổ phiếu xây dựng, bất động sản, dệt may, vận tải vừa và nhỏ vẫn duy trì được mức tăng điểm và là yếu tố giúp cân bằng thị trường.

Cổ phiếu Đầu tư hạ tầng TP.HCM (CII) tăng kịch trần thêm 1.150 đồng lên 18.200 đồng/cp; Công ty Đại Phương (DPG) tăng trần lên 39.050 đồng/cp; Fecon tăng trần lên 13.350 đồng/cp; Xây dựng Hòa Bình (HBC) tăng trần lên 15.050 đồng/cp; Hưng Thịnh Incons (HTN) tăng trần lên 40.250 đồng/cp; Xi măng Vincem Hải Vân (HVX) tăng trần lên 5.740/cp…

Tới cuối giờ sáng 12/8, thị trường quay đầu tăng điểm. Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 4,47 điểm lên 1.362,26 điểm. HNX-Index tăng 1,19 điểm lên 335,63 điểm. Upcom-Index tăng 0,54 điểm lên 92,55 điểm. Thanh khoản đạt 15,3 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo MBS, thị trường trong nước rung lắc trong phiêm 11/8 sau khi chạm ngưỡng cản kỹ thuật 1.375 điểm. Áp lực chốt lời khiến chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên kèm thanh khoản cao là điều cần lưu ý. Một phiên chốt lời thuần túy chưa ảnh hưởng đến xu hướng tăng của thị trường. Thị trường có thể dao động trong vùng 1.350 – 1.370 điểm, kịch bản thận trọng chỉ khi chỉ số để mất ngưỡng 1.350 điểm.

Chốt phiên chiều 11/8, chỉ số VN-Index giảm 4,64 điểm xuống 1.357,79 điểm. HNX-Index giảm 0,63 điểm xuống 334,44 điểm. Upcom-Index tăng 1,49 điểm lên 92,01 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 31,3 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, thấp hơn một chút so với phiên liền trước. Riêng sàn HOSE đạt hơn 26,3 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Đại gia Đặng Thành Tâm đánh cược vào Bắc Giang, Bắc Ninh

Đại gia Đặng Thành Tâm đánh cược vào Bắc Giang, Bắc Ninh

Đại gia Đặng Thành Tâm tiếp tục đánh cược vào mảng kinh doanh đầy triển vọng - bất động sản công nghiệp. Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Phòng là các cứ điểm cho những tính toán tỷ USD của doanh nhân gốc Sài Gòn.