Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường vào chiều 30/6 ngay sau khi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 trong buổi sáng cùng ngày.

Đây là kiến nghị của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank với mục đích giải quyết một số vấn đề lớn còn tồn tại như: vấn đề tài chính 2019; việc ông Yasuhiro Saitoh từ chức khỏi các vị trí thành viên HĐQT; giảm quy mô HĐQT từ 10 người xuống còn 7 người…

Theo SMBC, với cơ cấu HĐQT của Eximbank như hiện nay, ngân hàng này liên tục trải qua những mâu thuẫn nội bộ. Các thành viên không thể hợp tác tốt với nhau vì hoạt động kinh doanh của Eximbank.

Ở chiều ngược lại, một nhóm cổ đông khác nắm giữ 10,36% vốn cũng có văn bản kiến nghị tổ chức ĐHCĐ bất thường trong đó có kiến nghị xem xét bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT.

Các nhóm cổ đông tại Eximbank trong nhiều năm qua không có chung quan điểm, không đồng lòng, thống nhất và chính những mâu thuẫn, xung đột đang tồn tại giữa các cổ đông khiến các cuộc họp không được tổ chức thành công.

Nếu như các cổ đông đồng ý cắt giảm quy mô HĐQT sẽ thực hiện sự tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu "tín nhiệm" hoặc "không tín nhiệm" đối với từng thành viên trong HĐQT.

Nếu như thành viên HĐQT không đạt trên 51% số phiếu tín nhiệm của các cổ đông dự đại hội cổ đông bất thường sẽ bị bãi nhiệm. Tuy nhiên số lượng tối thiểu của HĐQT vẫn phải đảm bảo 5 thành viên.

Trong khoảng 1 năm qua, Eximbank liên tục chứng kiến sự thay đổi trong dàn lãnh đạo. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa thể được giải quyết.

{keywords}
Sóng ngầm quyền lực tại Eximbank vẫn khó lường.

Trong hơn một năm qua, Eximbank vẫn chưa tổ chức được ĐHĐCĐ 2019 sau nhiều lần tạm hoãn vì tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Vấn đề nóng nhất vẫn là “câu chuyện 3 người” quanh chiếc ghế chủ tịch ở Eximbank.

Gần đây, Eximbank tiếp tục hoãn đại ĐHCĐ bất thường 2019 theo kế hoạch được diễn ra vào ngày 05/03/2020. Như vậy, Eximbank chưa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018, kế hoạch năm 2019 và một số nội dung khác do các ĐHCĐ đều bất thành.

Tranh cãi nảy lửa nhất nằm ở tính tính hợp pháp của vị trí Chủ tịch HĐQT. 

Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015 nhưng bắt đầu trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ sau ngày 22/3/2019, thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của nhóm từ NamABank, từng là TGĐ NamABank của cố doanh nhân Tư Hường. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.

Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank nóng rực trở lại bắt đầu từ cuối tháng 3/2019 sau khi thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.

Ông Minh Quốc đã có đơn kiện và tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc sau đó có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT.

Ông Cao Xuân Ninh (1962) sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại Eximbank trong nhiều tháng trước đó.

Hiện tại, giới đầu tư không biết người đại diện theo pháp luật của Eximbank là ai? Ai đang là người chịu trách nhiệm cho một tổ chức tín dụng có tổng tài sản lên tới gần 160 ngàn tỷ đồng, trong đó gần 130 ngàn tỷ đồng tiền gửi của người dân.

Mâu thuẫn tại Eximbank liên quan tới gia đình bà Tư Hường (đã mất), với những tranh chấp nội bộ của tập đoàn gia đình Hoàn Cầu và nhóm cổ đông lớn có liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn (con bà Tư Hương) tại NamABank.

Mặc dù cuộc chiến ngầm vẫn đang diễn ra căng thẳng, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 tăng 20% so với năm trước lên 1.318 tỷ đồng. Nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới mức 2%.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 16/6, chỉ số VN-Index tăng mạnh sau một đợt lao dốc. Gần như tất cả cổ phếu blue-chips hồi phục, trừ Eximbank giảm 300 đồng.

Theo BVSC, VN-Index có thể xuất hiện nhịp “bulltrap” để thử thách vùng 840-845 điểm. Tuy nhiên, nếu chỉ số để mất ngưỡng 840 điểm, thị trường sẽ bước vào nhịp giảm điểm và có thể lùi về vùng hỗ trợ mạnh 780-810 điểm trong ngắn hạn. Ngoài ra, thị trường có thể bị biến động mạnh trong những phiên cuối tuần khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs và đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6 diễn ra.

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Nhà đầu tư đã tiếp tục đứng ngoài thị trường để chờ đợi các tín hiệu xu hướng rõ ràng hơn. Đối với các nhà đầu tư đang còn tỷ trọng cổ phiếu cao vẫn nên bán giảm tỷ trọng trong những phiên thị trường tăng điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/6, VN-Index giảm 31,05 điểm xuống 832,47 điểm; HNX-Index giảm 3,09 điểm xuống 113,82 điểm. Upcom-Index giảm 0,421 điểm xuống 55,54 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 24 ngàn tỷ đồng.

V. Hà