Tỷ giá trong nước
Ngày 11/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.252 đồng (giảm 5 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng và bán ra ở mức 23.650 đồng.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại như sau Vietcombank niêm yết ở mức: 23.270 đồng (mua) và 23.450 đồng (bán). Eximbank niêm yết ở mức 23.370 (mua) và 23.540 (bán).
Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới sẽ điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch; ổn định tỷ giá, sẵn sàng can thiệp đảm bảo ngoại tệ cho nền kinh tế.
NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm.
Đối với lãi suất, NHNN đã có phương án điều hành phù hợp, thời gian tới sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở…; quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay bền vững.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 - 23.650 đồng/USD.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… đã gần như không đổi so với cuối ngày hôm qua, hiện giao dịch quanh mức 23.310 - 23.490 đồng/USD.
Tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.420 đồng/USD và bán ra là 23.470 đồng/USD.
Tỷ giá ngoại tệ
Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giao dịch ở mức 99,773 giảm 0,13%.
Theo báo cáo hôm 8/5 từ Bộ Lao động, nền kinh tế Mỹ đã mất đi 20.5 triệu việc làm vào tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt tới 14.7%. Các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng dưới cơn lốc thất nghiệp lan rộng, nền kinh tế Mỹ sẽ không thể phục hồi nhanh chóng dù nhiều địa phương bắt đầu kích hoạt lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Fed tại bang San Francisco Mary Daly hy vọng, các hành động chưa từng có của Fed nói trên, cùng với gần 3.000 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ cam kết hỗ trợ, sẽ giúp ích cho nền kinh tế.
Ông James Knightley, người đứng đầu lĩnh vực kinh tế quốc tế tại ING nhận xét: Với việc thực hành giãn cách xã hội, sự lo lắng của người tiêu dùng, những hạn chế đi lại và ảnh hưởng của tình trạng thất nghiệp hàng loạt, chắc chắn hoạt động kinh tế và tương lai việc làm không thể phục hồi theo mô hình chữ V.
Bộ Tài chính Mỹ đang đứng trước nhu cầu tín dụng lớn chưa từng có khi chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ USD để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Do vậy, cơ quan này sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 20 năm, lần đầu tiên kể từ năm 1986 vào ngày 20/5 tới đây, với mục tiêu huy động 20 tỷ USD. Các cuộc đấu thầu tiếp theo sẽ diễn ra trong tháng 6 và tháng 7/2020, nhằm huy động 17 tỷ USD.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đưa ra cảnh báo nền kinh tế Anh đang hướng tới cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 300 năm qua do ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
BoE đã giữ nguyên lãi suất cơ bản thấp kỷ lục ở mức 0,1% và ngừng mục tiêu mua trái phiếu, chủ yếu là nợ chính phủ, trị giá 645 tỷ bảng (797 tỷ USD), trong bối cảnh các gói kích thích kinh tế đưa ra trong tháng Ba tiếp tục được duy trì.
Đông Sơn