Du lịch nước ngoài bùng nổ
Tại Diễn đàn Du lịch Outbound Việt Nam - cơ hội và thách thức, do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Ban Kinh tế TƯ tổ chức ngày 29/3, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, nhớ lại, năm 1998, ông chứng kiến cảnh nhiều người đổ xô đi làm hộ chiếu để đi du lịch nước ngoài. Khi đó, nhiều ý kiến lo lắng về nạn “chảy máu ngoại tệ” ra nước ngoài.
“Năm 1999 khi tôi làm Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch xây dựng Luật Du lịch, khi đó chúng tôi đưa vào Luật một chương về Du lịch nước ngoài (outbound) còn bị gạt đi” - ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, kể.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 20 năm, quan điểm đó đã thay đổi. Theo ông Bình, giờ chúng ta nhìn nhận về du lịch outbound thoải mái, cởi mở hơn, dễ dàng hơn cho các DN lữ hành cũng như người làm quản lý.
Năm 2017, có 6,6 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài. Con số này là gần 10 triệu người năm 2018 (số liệu từ Ban Kinh tế TƯ) |
Chính vì thế, du lịch outbound giờ bùng nổ với số lượng khách Việt đi du lịch nước ngoài tăng mạnh hàng năm. Các thị trường trao đổi khách, giao thoa với nhau, có đi có lại.
Ông Bình dẫn chứng, nếu năm 2014 người Việt đi Trung Quốc là 1,98 triệu người thì đến 2018 là gần 4 triệu người, trong khi cũng có gần 5 triệu khách Trung Quốc sang Việt Nam (năm 2018).
Năm 2014, mới có 185.400 người Việt đi du lịch Nhật Bản thì năm 2018 là xấp xỉ 400.000 người. Theo ông Takahashi Ayumi, Giám đốc Tổng cục Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO), Việt Nam đứng thứ 12 trong số các thị trường đưa khách tới Nhật, với tỷ lệ tăng trưởng cao nhất lên tới 26% (năm 2018). Còn số khách Nhật sang Việt Nam gấp đôi, là 826.000 người.
Đối với thị trường Hàn Quốc, người Việt Nam du lịch sang đây là 450.000 người, song cũng có gần 3,5 triệu khách Hàn đến Việt Nam, cao gấp 8 lần. Tốc độ tăng trưởng của khách du lịch hai nước qua lại đều ở mức cao, trên 40%.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận xét, do nhận thức chưa đầy đủ mới thuần túy về vấn đề kinh tế nên du lịch outbound chưa được quan tâm thích đáng, ngay cả trong những báo cáo trước đây của Tổng cục Du lịch. Giờ, rõ ràng là đi du lịch nước ngoài góp phần tăng cường hiểu biết, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư,...
Do vậy, cần tính cả đóng góp của việc người Việt đi du lịch nước ngoài vào GDP (như chi tiêu vận chuyển, lưu trú, ăn uống,... trước khi ra nước ngoài) vào doanh thu của ngành du lịch. Nếu tính vậy, du lịch đóng góp tới 8,39% vào GDP cả nước.
Điều dễ nhận thấy nhất là, theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Hanoi Redtours, những người Việt đi du lịch nước ngoài về đều cư xử văn minh hơn.
Đừng để mang tiền cho họ còn bị coi thường
Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế hoạt động du lịch outbound và hình ảnh người Việt Nam đi du lịch nước ngoài hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Công ty TNHH lữ hành Quốc tế Tictour (Khánh Hòa), cho rằng, do nhìn nhận chưa đúng về du lịch outbound nên còn nới lỏng về quản lý, dẫn tới tình trạng nhiều công ty lữ hành chưa đủ năng lực, không có giấy phép vẫn tổ chức cho khách đi du lịch nước ngoài.
Giá tour rẻ, các điều kiện visa, vận chuyển,... ngày càng dễ dàng nên lượng khách du lịch Việt Nam đi nước ngoài ngày càng đông |
Đến khi xảy ra vụ 152 khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan hồi tháng 12/2018 mới vỡ lẽ, hóa ra công ty tổ chức vừa đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép. “Tại sao chúng ta không chăn chặn từ đầu”, ông Thắng thẳng thắn. Hay các công ty làm đại lý gom khách cho DN outbound cũng ngang nhiên cho là công ty đứng ra tổ chức tour, việc này phải xử lý nghiêm.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, khách đi du lịch nước ngoài giờ còn kết hợp chữa bệnh, làm đẹp, phải có cách quản lý và bảo vệ như với người tiêu dùng. Vì thế, cơ quan quản lý cần bổ sung thêm điều kiện chặt chẽ hơn khi cấp phép cho các DN lữ hành outbound, ông Hoan kiến nghị.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Transviet, cho hay, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và ham rẻ của khách hàng nhiều công ty du lịch chào bán các tour du lịch nước ngoài kém chất lượng, bớt xén, cắt đi các điểm thăm quan hoặc trải nghiệm hay, cho vào các điểm shopping bắt buộc để hạ giá thành, kiếm thêm lợi nhuận. Các dịch vụ ăn nghỉ, đi lại không tương xứng với đồng tiền bỏ ra và quảng cáo.
Hơn nữa, ông Hoan cho rằng, nhân lực về du lịch outbound hiện nay gần như không có. Các hướng dẫn viên outbound chủ yếu là từ inbound sang, chưa được đào tạo, thiếu kinh nghiệm khi đưa khách đi du lịch nước ngoài. Vì thế, xử lý còn lúng túng khi khách rơi vào những tình huống khẩn cấp. Chưa kể, việc các DN nước ngoài đưa chui khách Việt đi outbound cũng cần có chế tài xử lý để bảo vệ DN Việt, tránh tình trạng chuyển giá hay để DN Việt thua ngay trên sân nhà.
Mặc dù đã phát động phong trào người Việt văn minh khi đi du lịch ở nước ngoài cách đây 3 năm, song, một lần nữa hình ảnh người Việt Nam xấu xí khi đi du lịch nước ngoài lại được nhắc tới.
Điển hình là những vụ khách du lịch Việt Nam bỏ trốn bất hợp pháp ở nước sở tại và hình ảnh phản cảm như hút thuốc nơi bị cấm, xả rác bừa bãi, ồn ào, chưa kể thói ăn cắp vặt, chụp ảnh nơi không được phép, chen lấn... khiến người nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm về du khách Việt. Ông Ngô Hoài Chung nhận xét, khách Việt rất tuân thủ các yêu cầu khi đến các điểm tham quan, danh thắng, nhưng khi về tới khách sạn “hiện nguyên hình” nhiều thói xấu.
Do vậy, ông Chung cho hay, trong năm 2019, Tổng cục Du lịch sẽ xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho người Việt khi đi du lịch nước ngoài, đưa lên các chuyến bay để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho du khách. Nói như ông Trần Văn Long, Giám đốc công ty du lịch Việt, việc này cần phải làm ngay để tránh tình trạng người Việt Nam đi du lịch mang tiền đến cho nước họ mà vẫn bị họ coi thường.
Ngọc Hà