Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số tạo sức bật cho nông nghiệp, ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho hay, nông nghiệp Israel rất khác Việt Nam, cả về nguồn nước, khí hậu, đất đai.
Tại Diễn đàn Nông sản với chuyển đổi số, ông Nadav Eshcar đã chia sẻ hình ảnh chụp lại vùng đất đai khô cằn, chỉ có cát và thời tiết nóng bỏng, không cây cối gì có thể sống nổi vào năm 1913. Giữa bức hình là nhóm người đến từ châu Âu, đi cùng những con lừa để thực hiện chuyến khảo sát xem có sự sống ở vùng đất chết này không.
"Khu vực này vốn không có sông nước, cũng không có mưa. Là những chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, các bạn có thể tưởng tượng khó khăn thế nào khi làm nông nghiệp ở những vùng đất như vậy", ông nhấn mạnh. “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, buộc phải sử dụng những vùng đất đó để canh tác, với phương châm là vùng đất này phải làm ra nhiều thực phẩm cho nhiều người hơn, nhưng cần ít tài nguyên hơn, ít nước hơn, ít hoá chất hơn".
Công nghệ tưới nhỏ giọt được áp dụng từ những năm 50 của thế kỷ trước (ảnh minh hoạ) |
Đại sứ Israel cũng giới thiệu về hình ảnh ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở Israel đã biến đất chết thành những cánh đồng.
Theo ông, vì không có tài nguyên nước dồi dào nên không thể sử dụng kỹ thuật tưới tràn mà phải áp dụng tưới nhỏ giọt, cung ứng lượng nước vừa đủ cho sự sinh sôi và phát triển của cây trồng. Kỹ thuật này được sáng chế bởi người Israel từ những năm 50 của thế kỷ trước, không chỉ tưới nước mà còn bón phân, các chất dinh dưỡng cho cây.
“Công nghệ này cực kì hiệu quả và đang ngày càng phát triển. Ngày nay, đất nước của chúng tôi đã được phủ xanh. Israel không chỉ có công nghệ tưới nhỏ giọt, mà chúng tôi còn dùng nhiều công nghệ hiện đại khác”, vị đại sứ cho hay.
Cũng theo ông Nadav Eshcar, ở Israel, người nông dân không chỉ gặp khó về nguồn nước mà còn cả kiến thức về cây trồng và nhiều vấn đề khác. Các nhà khoa học có nhiệm vụ giúp đỡ họ.
Nhờ đó, đã giúp Israel biến những vùng đất chết thành cánh đồng xanh |
Cụ thể, với nhu cầu của mình, họ sẽ đưa ra các câu hỏi cho nhà khoa học. Sau khi có được giải pháp, giới nghiên cứu sẽ chuyển cho các DN ngành nông nghiệp. Các công ty sẽ cung cấp giải pháp cho người nông dân, bà con được hưởng lợi từ việc áp dụng các thành tựu đó.
Các công ty sẽ đóng góp ngược lại cho Chính phủ bằng việc trả thuế, sau đó Chính phủ tiếp tục tài trợ cho các viện nghiên cứu. Vòng tuần hoàn trong nông nghiệp như vậy đem lại lợi nhuận rất cao.
Đây cũng là lý do có rất nhiều quỹ muốn đầu tư, nhằm tạo ra lợi nhuận và giá trị cho xã hội.
Song, theo ông Nadav Eshcar, có một yếu tố liên quan mật thiết với người nông dân, đó là để bà con tiếp cận với các nhà khoa học là rất khó. Thế nhưng, mô hình trung tâm khuyến nông đã giải quyết được vấn đề này.
Theo đó, khi người nông dân Israe gặp khó khăn, họ sẽ báo với chính quyền địa phương, nơi có các trung tâm khuyến nông. Sau đó, trung tâm khuyến nông sẽ tìm giải pháp giúp đỡ nông dân giải quyết khó khăn.
Ông dẫn chứng, nhiều cánh đồng trồng cà chua ở vùng đất sa mạc, nếu cho một chút tỷ lệ nước mặn tưới cho cây, trái sẽ rất ngọt. Tuy nhiên, người nông dân không thể biết cho bao nhiêu nước mặn là đủ. Họ có thể tự làm thí nghiệm này, nhưng chắc chắn sẽ khó khăn, rất lâu, chết nhiều cây và vụ mùa thất bát. Do đó, Trung tâm khuyến nông sẽ nghiên cứu điều này, giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc, nhân lực...
Áp dụng công nghệ vào trồng trọt giúp sản lượng nông sản của Israel tăng cao, chất lượng vượt trội |
Khi các vấn đề quá lớn, trung tâm khuyến nông không trả lời được, họ sẽ chuyển lên Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Volcani của Chính phủ.
Với cây chà là cũng vậy, Israel trồng rất nhiều. Trong quá trình thu hoạch, nông dân rất vất vả và mất thời gian khi phải trèo lên cây để kiểm tra xem quả chín chưa.
Những khó khăn này được chuyển tới trung tâm khuyến nông để tìm cách hóa giải. Nhưng khuyến nông không giải quyết được và họ liên hệ với cấp Chính phủ.
“Cuối cùng họ đã phát minh ra một thiết bị chỉ nhỏ như bàn tay. Thiết bị này phát ra tia hồng ngoại. Người nông dân chỉ cần đứng dưới gốc cây, chĩa thiết bị vào chùm quả rồi bấm nút. Ngay lập tức, họ biết được quả chín hay chưa”, ông chia sẻ. Công nghệ này giúp nông dân tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Theo vị đại sứ Israel, giữa hai nước Việt Nam và Israel có rất nhiều mối quan hệ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Israel rất vui lòng chia sẻ, hợp tác phát triển các phát minh trong nông nghiệp, cũng như mô hình hợp tác giữa các nhà, vốn rất thiết thực, gần gũi với ngành nông nghiệp Việt.
T.An
Điều khác biệt để nông dân Nhật thu 40.000 USD, Việt Nam chỉ 1.000 USD
Không có tiềm năng phát triển nông nghiệp như ở Việt Nam, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, một người nông dân Nhật trung bình xuất khẩu nông sản thu được 40.000 USD năm 2019, trong khi Việt Nam là 1.000 USD.