Bước vào hiệu thuốc, một người phụ nữ hỏi mua hộp khẩu trang y tế để phòng dịch corona. Bà không khỏi sốc khi nhân viên báo giá 200 nghìn/hộp 50 chiếc. Mức giá này gấp 4 lần bình thường. Dù rất muốn mua cho gia đình hộp khẩu trang, nhưng bà đành ngậm ngùi trả lại bởi mức giá quá cao.
Hộp khẩu trang được bán với giá 200 nghìn đồng, trong khi bình thường chỉ vài chục nghìn. |
Những ngày qua, hàng vạn người đã phải đối mặt với tình trạng khẩu trang tăng giá chóng mặt, ít thì gấp đôi, nhiều thì gấp 5-7 lần bình thường. “Khan hàng, sốt giá”, “cầu cao cung thấp” được đưa ra làm lý do để giải thích cho việc tăng giá mặt hàng đang nóng hầm hập này.
Những người bảo vệ cho một nền kinh tế thị trường tự do tỏ ra ủng hộ việc tăng giá này. Nhưng nhiều người dân không thể “nuốt trôi” một kiểu thị trường như thế, nhất là khi virus corona đang có nguy cơ càn quét trên diện rộng.
Chính quyền vào cuộc. Nhiều cửa hàng đã bị phạt tiền vì có hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường... để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý được quy định tại Điều 17, Nghị định 109 của Chính phủ về quản lý giá.
Nhưng việc này vẫn như ‘bắt cóc’ bỏ đĩa. Khi quản lí thị trường quay lưng đi, thì giá bán lại nhảy múa. Trong khi đó, việc rải lực lượng đến từng cửa hàng là điều không thể. Ngay cả khi Phó Thủ tướng tuyên bố rút giấy phép các cửa hàng thuốc tăng giá khẩu trang thì người dùng vẫn phải móc hầu bao cao hơn bình thường để có được những chiếc khẩu trang. Tất cả vẫn trông chờ vào đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất và thương nhân.
Điều này, đáng tiếc là đang rất thiếu.
Giữa lúc những đồng bào đang lo lắng đối mặt với dịch bệnh, bỏ qua nhưng quy định và lời cảnh báo từ nhà quản lý, bỏ qua cả những đạo lý bầu bí thương nhau, vì long tham họ bất chấp tất cả chỉ vì mấy triệu đồng bỏ túi, còn nữa 'sống chết mặc bay'. Gian thương chấp nhận bị phản ứng, vẫn hành động vì tiền.
Tăng giá phi mã khi gặp thiên tai, dịch họa… có lẽ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới này. Nhưng ngay cả ở một nền kinh tế thị trường bề dày hàng trăm năm cũng có điều luật ngăn chặn việc trục lợi trên nỗi đau, lo sợ của đồng loại thì việc nhiều người Việt Nam phản ứng với sự tăng giá mặt hàng khẩu trang cũng là điều dễ hiểu.
Dịch bệnh không loại trừ một ai nếu không có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa hữu hiệu. Khẩu trang tuy không phải là một giải pháp vạn năng, nhưng là một biện pháp cần thiết. Đó là mặt hàng người dân cần lúc này. Việc tăng giá khẩu trang phi mã khiến nhiều người không khỏi xót xa khi lợi nhuận đã làm nhiều nhà sản xuất, thương nhân mờ mắt. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Câu ca ấy đã không được một số nhà sản xuất, thương nhân thấm nhuần.
Đối mặt nỗi lo sợ từ virut corona, họ có thể phải bỏ rất nhiều tiền để đáp ứng nhu cầu bảo vệ bản thân. Người sẵn sàng trả tiền, người ngậm ngùi trả lại hộp khẩu trang. Nhưng điều đọng lại sau tất cả, vẫn là sự oán than của nhiều người với những kẻ đang vui vẻ đếm tiền vì thu được món lợi “khủng” trên sức khỏe cộng đồng. Mà “cộng đồng” ấy có khi bao gồm của họ, người thân của họ nữa, dù lúc này hay lúc khác.
Trong trường hợp khẩn cấp, chính quyền không thể lừng chừng để người dân phải trả giá trên trời mà ngay lập tức vào cuộc ngăn chặn mạnh tay. Kinh tế thị trường - vốn không phải không có khiếm khuyết - còn đâu giá trị khi tạo nên một kiểu làm ăn chỉ biết đến đồng tiền, bỏ mặc hết tình người. Không ai bắt họ giữ nguyên giá thấp khi nguồn đầu vào tăng và có phần khan hiếm hơn, nhưng tăng giá đến mức gây phẫn nộ như thời gian qua thì không thể chấp nhận được.
Trái ngược với những “gian thương bất lương” ấy, nhiều hành động đẹp vẫn được người Việt khắp nơi tạo ra. Một người bạn của tôi đã không khỏi xúc động khi nhận được những hộp khẩu trang được bạn bè gửi tặng. Anh cũng không khỏi cảm kích trước nhiều tấm lòng tặng khẩu trang cho miễn phí cho người dân. Xin được lấy câu anh viết thay cho lời kết: Đấy là giá trị của tình người, của lòng yêu thương,... giá trị của sự sẻ chia. Qua những hành động tốt đẹp này, tôi mong lắm mỗi người chúng ta hãy bớt sống ích kỷ đi, bớt cái tôi của mình xíu đi để xã hội mình (trong đó có tôi, có bạn, có gia đình chúng ta) ngày càng tốt đẹp và giá trị hơn!
Lương Bằng
Gom 200.000 chiếc khẩu trang xuất lậu qua Trung Quốc
Lực lượng quản lý thị trường xử lý 85 cửa hàng kinh doanh khẩu trang vi phạm về giá trong ngày 1/2/2020.