Chi phí cho logistics đang quá cao

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những hiệp định song phương, đa phương đã và đang góp phần mang nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam tham gia các thị trường lớn, đặc biệt là lĩnh vực nông sản.

Bên cạnh những ưu thế về tài nguyên và đa dạng trong sản xuất, chế biến thì nông sản Việt Nam cũng có những hạn chế như quy mô sản xuất, chất lượng và số lượng là những nguyên nhân thường thấy khiến nông sản khó chinh phục các thị trường lớn. Tuy nhiên, vấn đề nan giải không kém là hạ tầng và dịch phụ logistics cho nông sản Việt Nam, dù nhiều lần bàn thảo nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tối ưu.

Hiện chi phí logistics cho nông sản Việt Nam quá cao, lên tới 25% tổng giá trị hàng hóa, ở một số mặt hàng thậm chí còn cao hơn rất nhiều, là nguyên nhân chính dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại các thị trường tiềm năng.

{keywords}
Theo các doanh nghiệp, chi phí logistics quá cao làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt

Chia sẻ về vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến: “Cắt giảm chi phí logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt" ngày 9/7, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang cho rằng, chi phí vận chuyển nội địa quá cao đang cản đường tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp.

Ông dẫn chứng, chi phí vận chuyển một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP.HCM ra Hà Nội mất 80 triệu đồng. 

Tương tự, từ TP.HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng. Trong khi, Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chưa bằng một nửa. Theo ông Quang, điều đó vô cùng nghịch lý.

Là chủ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu 14.000 tấn chuối sang Malaysia, Singapore, Hàn Quốc trong năm 2019, ông Võ Quan Huy (Đức Huệ, Long An) thừa nhận, chi phí logistics đang rất cao, chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch.

"Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch Covid-19", ông Huy nói. Việc các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi chính sách kiểm dịch thực vật đã tác động lớn đến chi phí logistics. 

Theo ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các yếu tố làm tăng chi phí logistics bao gồm: chi phí vận chuyển cao, các phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận chuyển nước ngoài áp vào cho chủ hàng, hạn chế về cảng và cơ sở hạ tầng, các tỉnh thành đưa ra các phí hạ tầng mới, chi phí về kiểm tra chuyên ngành.

Ông Minh dẫn số liệu từ một nghiên cứu về chuỗi cung ứng rau củ quả cho thấy, chi phí logistics trong chuỗi này chiếm tới 20,9%. Trong đó, 61% liên quan đến vận tải, 20% liên quan đến xếp dỡ, 14% lưu trữ, 5% bao bì.

Quy hoạch đường sông, đường biển để giảm phí vận chuyển

Ông Lê Văn Quang cho rằng quá nhiều trạm thu phí đường bộ đã đẩy chi phí vận tải lên cao. Trong khi đó, hệ thống đường biển, đường sông của nước ta rất thuận lợi nhưng không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa.

Vận chuyển đường sông chi phí chỉ bằng 1/10 so với đường bộ. Chính vì vậy, ông đề nghị cơ quan chức năng tính đến vấn đề quy hoạch đường sông, đường biển để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

{keywords}
Chi phí vận chuyển bằng đường biển, đường sống rất thấp, song cần có quy hoạch và đầu tư 

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản góp ý, cần có quy hoạch logistics theo vùng, theo loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương nhằm hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại, từ đó, đạt được sự liên kết giao thông, cảng biển, hàng không...

Khu vực chế biến thường được đặt trong các khu công nghiệp, nếu không gần vùng nguyên liệu thì sẽ khiến giá thành tăng, hao hụt trong vận chuyển sau thu hoạch. Theo ông Toản, cần có từng đề án căn cơ cho từng vùng Bắc Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL,... để tối ưu hóa được quy hoạch vùng nhằm giảm chi phí logistics.

Để tháo tháo gỡ vấn đề logistics trong lĩnh vực nông sản, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý, việc đầu tư các trung tâm logistics nông sản quy mô lớn, tập trung, phục vụ cho cả một vùng giúp hàng hóa nông sản đảm bảo yếu tố lưu trữ, thời gian bảo quản dài, từ đó phân phối về các siêu thị, cửa hàng là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, vai trò vận chuyển của đường sông, đường biển giá thành rẻ nhưng lại phụ thuộc vào bến bãi và phương tiện bốc xếp. Do đó, cần nhìn nhận vai trò của hình thức vận chuyển này từ đó có sự đầu tư phù hợp.

Ông mong muốn các doanh nghiệp nông sản có sự thay đổi nhận thức trong sử dụng dịch vụ logistics, tăng cường dịch vụ thuê ngoài hay thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế nếu có làm xuất nhập khẩu. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi từ đó doanh nghiệp giành quyền chủ động xử lý các khâu trong logistics và đưa các doanh nghiệp logistics nội vào sâu hơn trong chuỗi thương mại quốc tế.

“Bản thân các chủ hàng cần trang bị kiến thức logistics cũng như quản trị chuỗi cung ứng tốt, tổ chức sản xuất tinh gọn, hiệu quả để từ đó cắt giảm chi phí logistics”, ông Hải nhấn mạnh.

Tâm An