Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội - Halico (HNR) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ ròng quý thứ 15 liên tiếp.

Theo đó, trong 3 tháng cuối cùng của năm 2021, Halico ghi nhận hơn 35 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh quý cuối năm của hãng sản xuất rượu này cũng tích cực hơn so với 3 quý liền trước khi ghi nhận khoản lãi gộp gần 7 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2020, mức lãi gộp này đã tăng gần gấp đôi và tăng gấp 3,5 lần nếu so với quý III/2021 liền trước.

Tuy nhiên, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức tương đương cùng kỳ, tiêu tốn của hãng hơn 14 tỷ đồng đã khiến nhà sản xuất rượu Hà Nội này tiếp tục thua lỗ.

Trong đó, lỗ trước thuế của Halico trong quý IV/2021 là gần 6 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2020, mức lỗ này đã giảm hơn 4 tỷ.

Do lỗ trước thuế từ hoạt động kinh doanh, hãng không phải chịu chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn tới chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 cũng ở mức âm 6 tỷ đồng. Đây đã là quý thua lỗ thứ 15 liên tiếp của nhà sản xuất rượu này.

{keywords}
 

Lãnh đạo Halico cho biết nguyên nhân chính khiến lỗ quý IV/2021 thấp hơn so với cùng kỳ là nhờ doanh thu phục hồi khi thị trường phía Bắc bước vào mùa lạnh, nhu cầu tiêu thụ rượu tăng lên. Cùng với đó, các khoản giảm trừ doanh thu từ chiếu khấu thương mại cũng thấp hơn.

Tuy vậy, các khoản tăng từ doanh thu bán hàng vẫn chưa đủ để bù đắp hết chi phí hãng phải chi ra mỗi quý, kết quả là lợi nhuận trước và sau thuế vẫn báo số âm.

Tính trong cả năm 2021, nhà sản xuất rượu lớn nhất Hà Nội ghi nhận 102 tỷ đồng doanh thu và lỗ ròng gần 24 tỷ đồng sau thuế. So với năm liền trước, dù doanh thu của Halico chỉ ở mức tương đương nhưng đã giảm đáng kể số lỗ ròng.

Tuy vậy, kết quả này vẫn đánh dấu năm thua lỗ thứ 6 liên tiếp của doanh nghiệp. Trên bảng cân đối kế toán, tính đến cuối năm 2021, lỗ lũy kế của Halico đã là 468 tỷ, cao gấp rưỡi so với vốn điều lệ (200 tỷ đồng).

Năm vừa qua, Halico đặt mục tiêu 114,6 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ trước thuế 30 tỷ. Như vậy, dù không hoàn thành mục tiêu doanh thu nhưng khoản lỗ trước thuế của Halico đã giảm đáng kể so với kế hoạch.

Tại thị trường trong nước, Halico là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất rượu lớn và lâu đời nhất. Từng có giai đoạn hãng chiếm đa số thị phần tiêu thụ tại thị trường phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan.

Tuy nhiên, bước ngoặt kinh doanh của Halico đến sau khi hoạt động buôn lậu rượu bị phanh phui với chuyến hàng rỗng xuất khẩu sang Lào ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Kết quả là hàng loạt lãnh đạo công ty bị khởi tố hình sự và hoạt động kinh doanh lao dốc.

Ban lãnh đạo hãng rượu này cũng từng thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục là do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng rượu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh, bao bì.

Trong khi đó, hãng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất rượu trong và ngoài nước. Đặc biệt, các nhà sản xuất rượu cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, làm giả của các cơ sở tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.

(Theo Zing)

Hoàn cảnh của Habeco và Sabeco, 2 'đại gia' ngành bia, trước dịch bệnh

Hoàn cảnh của Habeco và Sabeco, 2 'đại gia' ngành bia, trước dịch bệnh

Cả Sabeco và Habeco cùng chứng kiến lợi nhuận thụt lùi trong quý II dưới tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, những ngày khó khăn nhất có thể vẫn còn ở phía trước.