Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam đạt 44,5 triệu USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU là 4 thị trường nhập khẩu chủ yếu.
Đặc biệt, Trung Quốc từ vị trí thị trường nhập khẩu cua ghẹ lớn thứ 4 của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019, đã trở thành kênh tiêu thụ lớn nhất. Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm của Trung Quốc với sản phẩm cua ghẹ Việt đạt hơn 13 triệu USD, tăng gần 394% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, Trung Quốc cũng là nước duy nhất trong các thị trường chính tăng nhập khẩu chả cá, surimi của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay. Kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này sang Trung Quốc tăng 37% so với cùng kỳ, đạt 14,8 triệu USD.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, người dân Trung Quốc có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền có giá cả phải chăng.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm chả cá đông lạnh có sử dụng đường tinh luyện, thịt cá xay đông lạnh sang Trung Quốc với giá trung bình 1,2-2,9 USD/kg.
Sau khi kiểm soát được dịch Covid từ tháng 3, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc dần phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước này tăng 35% trong tháng 4 và tiếp tục tăng 20% trong tháng 5.
Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chỉ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 2%. VASEP dự báo, đến cuối tháng 6, kết quả xuất khẩu sang thị trường này sẽ tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam cũng duy trì xuất khẩu thủy sản ổn định sang thị trường Nhật Bản. Với đà tăng trưởng như những tháng đầu năm, VASEP cho rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam lớn nhất trong năm nay, bù đắp đáng kể tình trạng sụt giảm tại các thị trường EU và Mỹ.
(Theo Zing)