Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành về việc xây dựng Đề án “tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc phòng vệ thương mại”.
Từ vị trí là một nước liên tục chịu thâm hụt thương mại, kể từ năm 2012 đến nay Việt Nam thường xuyên có thặng dư thương mại lên đến chục tỷ USD. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, cho đến tháng 8/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối diện với 189 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, bao gồm 107 vụ việc chống bán phá giá, 21 vụ việc chống trợ cấp, 38 vụ việc tự vệ và 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Riêng từ năm 2018 đến nay, số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lên tới 65 vụ việc, chiếm hơn 1/3 số lượng các vụ việc từ trước đến nay.
Môt số thị trường có tần suất điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam thường xuyên hơn so với các thị trường khác. Đó là Ấn Độ (19 vụ), Hoa Kỳ 19 vụ, Úc 11 vụ, Canada 9 vụ,... Đây đều là các thị trường có dung lượng thị trường lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Việc Việt Nam bị các nước thường xuyên điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Việc tham gia và theo đuổi các vụ kiện tốn thời gian, chi phí. Một vụ việc từ khi khởi xướng tới khi ra kết luận cuối cùng cần ít nhất 12 tháng. Chi phí thuê luật sư cho tư vấn các vụ việc này thường rất cao, đặc biệt là nếu kết quả không mong muốn làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, đặc biệt trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp, hoặc trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá mà có điều tra về vấn đề tình hình thị trường đặc biệt, Chính phủ phải trực tiếp trả lời câu hỏi điều tra dành riêng cho Chính phủ.
“Việc Chính phủ không trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn là cơ quan điều tra nước ngoài có thể sử dụng các thông tin bất lợi theo cáo buộc của nguyên đơn để áp dụng một mức thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp cao đối với hàng hóa bị điều tra”, Bộ Công Thương lưu ý, “Nếu điều này xảy ra, hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được thị trường do bị áp thuế quá cao”.
Để trả lời bản câu hỏi điều tra dành cho Chính phủ, cần phải có các thông tin chi tiết liên quan nhiều chính sách khác nhau của nhà nước như đất đai, thuế, tín dụng, giá cả… Do đó, để kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra nước ngoài, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có sự phối hợp, phản ứng và xử lý nhanh. Nếu tuân thủ đúng các quy định về thủ tục hành chính, trong nhiều trường hợp là rất khó đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng bản trả lời và thời gian xử lý.
Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết xây dựng Đề án kể trên để góp phần đáng kể vào hiệu quả xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại mà nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Lương Bằng
Ngăn chặn hành vi đưa gỗ Trung Quốc sang Việt Nam 'rửa' xuất xứ, bán sang Mỹ
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định đang kiểm soát, điều tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp có hành vi gian lận, đưa hàng Trung Quốc qua Việt Nam “rửa” xuất xứ để bán sang Mỹ.