10 giờ sáng, các loại rau củ quả đặc sản như ngót rừng, mần ngải cứu, rau bò khai, khoai sọ, khoai tây Dao đỏ... vẫn còn ê hề tại cửa hàng của chị Hạ Thị Phương ở Nguỵ Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội), nhưng rau thối thì “cháy hàng”.
“Đang đúng mùa, ngọn rau thối non mỡ màng. Nay tôi nhập được 30kg mà vẫn không đủ bán”, chị khoe.
Theo chị Phương, rau thối là rau rừng đặc sản có ở các tỉnh miền núi Tây Bắc nước ta. Đây là cây dây leo, thân có nhiều gai nhưng lá của chúng lại giống lá phượng. Loại rau này có tên là pắc nam, nhưng chúng thường được gọi với cái tên dân dã là rau thối, bởi đứng cách xa cả mét vẫn có thể ngửi thấy mùi hôi nồng đặc trưng mà người không ăn quen sẽ cảm thấy khó chịu.
Rau này mọc tự nhiên ở các vùng rừng núi nên có quanh năm. Thế nhưng, vào tháng 4 và tháng 5 cây cho đọt non nhiều nhất. Bà con vùng dân tộc thường tranh thủ thời điểm này vào rừng tìm hái ngon non, lá non rau thối về xào, nấu canh ăn.
Rau thối - loại rau có mùi rất hôi nhưng lại được nhiều người chuộng mua về ăn |
“Đây là năm đầu tiên tôi nhập thử rau thối về bán. Lúc mới đầu cứ tưởng sẽ ít người mua ăn vì mùi rau rất hôi. Vậy mà ai ngờ rau này lại siêu đắt khách, hàng ngày nhập về không đủ bán”. Chị nói và cho biết, rau thối chị bán theo mớ với giá 15.000 đồng/mớ. Tính ra 1kg giá 75.000 đồng, đắt ngang rau bò khai, nhưng rẻ chỉ bằng nửa giá rau ngót rừng.
Chị Phương cũng cho biết, vì là rau rừng, phụ thuộc vào người dân vào rừng hái được ít hay nhiều nên lượng hàng chị nhập về cũng tuỳ thuộc vào mỗi ngày. Có ngày chỉ nhập được khoảng 10-15kg, có ngày được 30-40kg. Song, có bao nhiêu khách cũng khuân sạch. Nhiều khi định để lại 1-2 mớ để nhà ăn mà cuối cùng khách quen hỏi mua đành phải bán cho họ.
Chị Đàm Thị Thuận - một đầu mối chuyên đổ buôn rau rừng ở khu vực Hoàng Mai (Hà Nội) thừa nhận, dù có mùi không hề dễ ngửi, song loại rau thối này lại rất hút khách Thủ đô.
Rau có mùi hôi, ngai ngái, không ăn quen thì ngửi mùi rất khó chịu, giống như những người không ăn được mắm tôm hay sầu riêng mà phải ngửi mùi của những món ăn này. Còn khi ăn quen rồi lại thành nghiện.
Rau có mùi hôi khá khó ngửi nhưng khi nấu lên ăn lại giòn, bùi |
Chị Thuận là mối chuyên gom mua các loại rau rừng như ngót rừng, bò khai và mùa này thì gom mua thêm rau thối ở trên vùng Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang để về đổ buôn cho các nhà hàng, mối sỉ ở Hà Nội này.
Năm trước, dân Hà thành chưa biết ăn rau thối nên đa phần chị chỉ gom bò khai và ngót rừng là chủ yếu. Còn năm nay, lượng rau thối gom về đổ sỉ lên tới hàng tạ mỗi ngày, có những ngày không đủ hàng để trả đơn sỉ khách đặt, chị chia sẻ.
Hí hứng xách túi rau thối để góc hàng lang cơ quan chứ không dám đem vào phòng làm việc vì có điều hoà, chị Đỗ Nguyên An ở Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Rau thối đặc sản, mùi hơi khó ngửi nhưng ăn thì ngon. Hôm qua tôi đặt hàng, sáng nay đã nhận được. Rau tươi rói. Nhưng vì rau càng tươi càng nặng mùi nên để ngoài hàng lang, chứ đem vào phòng điều hoà chắc mọi người tháo chạy vì không quen”.
Chị An quê gốc ở Sơn La nên không lạ lẫm với món rau thối đặc sản này. Song, ở Hà Nội, mua loại rau này khá khó, giá cũng đắt đỏ. Như dịp đầu mùa chị phải mua với giá 90.000 đồng/kg, còn giờ giữa mùa giá giảm xuống 65.000 đồng/kg, đắt ngang giá gà, vịt ngoài chợ.
Vào hè, gia đình chị thường mua về xào thịt bò, thịt trâu, xào tỏi, băm nhỏ rán với trứng hay nấu canh cá,... Rau ăn giòn, vị bùi, ngầy ngậy lại có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Với những gia đình đã quen thì rau tươi sẽ ngon hơn, còn gia đình nào chưa ăn quen, để rau héo đi sẽ bớt mùi hôi nhưng khi đó rau không còn giòn và độ ngon cũng giảm bớt đôi phần, chị An chia sẻ.
Lưu Minh