Tuy nhiên, trong vài tuần qua, dầu đã bị “soán ngôi” bởi khí tự nhiên – loại năng lượng mà trong suốt nhiều thập kỷ qua vẫn chủ yếu được định giá theo các hợp đồng dầu mỏ. Triển vọng thị trường dầu do đó sẽ có mối liên quan mật thiết với mặt hàng khí đốt.

Ở thời điểm hiện tại, khí tự nhiên đã trở thành "Người dẫn đường" trong nhóm các loại năng lượng. Nguyên nhân do sự suy giảm nguồn cung trên toàn cầu khiến giá khí tăng vọt ngoài sức tưởng tượng.

Trong bối cảnh giá khí đốt và than đều tăng mạnh, dầu mỏ cũng không miễn nhiễm. Giá dầu bắt đầu tăng do tác động lan tỏa từ cuộc khủng hoảng khí đốt, do một số ngành tìm cách thay thế khí đốt bằng dầu để giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Giá dầu tăng 5% tuần qua

Sau một tuần biến động rất mạnh, giá dầu Mỹ đã tăng gần 5% trong tuần qua, mặc dù Tổng thống Nga Putin hôm thứ Tư (6/10) tuyên bố Gazprom sẽ tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, trong khi các quan chức Mỹ cho biết chưa có kế hoạch xuất kho dầu dự trữ chiến lược.

Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 kết thúc phiên cuối tuần, 8/10, tăng 1,05 USD, tương đương 1,3%, lên 79,35 USD/thùng; tính chung cả tuần giá tăng 4,6%. Giá xăng kỳ hạn tương lai tại Mỹ cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 44 US cent, tương đương 0,5% lên 82,39 USD/thùng, tính chung cả tuần tăng 4,9%.

Như vậy, giá cả 2 loại dầu đều tăng giá 7 tuần liên tiếp.

Giá khí tự nhiên tuần qua đã giảm khỏi mức cao kỷ lục 13 năm, và tính chung cả tuần cũng giảm, nhưng đó chỉ là sự điều chỉnh sau khi đạt cao kỷ lục, triển vọng thị trường khí đốt chưa sớm hạ nhiệt.

Khí gas Mỹ kỳ hạn tháng 11 phiên cuối tuần giảm 11 US cent, tương đương 2%, xuống 5,565 USD/mmBtu, tính chung cả tuần giảm 1%, song hiện vẫn ở mức cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Marshall Steeves, nhà phân tích thị trường năng lượng thuộc IHS Markit khi trả lời phỏng vấn của MarketWatch cho biết: "Khí đốt tự nhiên gần đây đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do mức dự trữ của châu Âu thấp kỷ lục lịch sử khi mà mùa đông – mùa sưởi ấm – đang đến gần", "Điều này đã hỗ trợ nhóm mặt hàng năng lượng, do khả năng những người tiêu thụ ở hạ nguồn có thể tìm kiếm những sản phẩm thay thế như dầu diesel và dầu nhiên liệu."

"Dự trữ dầu thô và khí đốt tự nhiên toàn cầu đều đang thấp cộng với tăng trưởng sản xuất có thể khiến nguồn cung dầu và khí không đủ để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu", ông Steeves cho biết.

Công ty tư vấn năng lượng, Rystad, cho rằng nhu cầu dầu có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong mùa đông này do nhu cầu chuyển đổi từ khí đốt sang dầu chỉ riêng với mục tiêu sản xuất điện và sưởi ấm.

Điều đó đang khiến giá dầu tăng nhanh, với dầu thô Brent đánh dấu mức cao kỷ lục 3 năm trong tuần qua, lên đến 83 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas Mỹ (WTI) lên cao nhất 7 năm, là 79 USD/thùng.

Giá dầu sẽ diễn biến thế nào sau khi đạt mức cao nhất nhiều năm? - Ảnh 1.

Giá dầu Mỹ tăng lên mức cao chưa từng có kể từ 2014.

Với việc nhóm OPEC+ không đẩy nhanh tốc độ sản xuất dầu hơn dự kiến dvà nhu cầu dầu mỏ toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19, có nhiều khả năng đà đi lên của giá dầu sẽ tiếp tục được duy trì.

Dầu sẽ lấy lại được ngôi "vương"? Vẫn chưa đến lúc đó, nhưng dự báo giá sẽ còn tiếp tục tăng.

Lạm phát Mỹ sẽ chỉ tăng nhất thời?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong nhiều tháng luôn giữ quan điểm tốc độ gia tăng của lạm phát ở Mỹ là "nhất thời" và sẽ giảm bớt khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng giảm đi. Nhưng điều đó không thuyết phục được một số nhà đầu tư. Họ cho rằng khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu hàng hóa tăng nhanh chóng sẽ tác động đến giá cả.

Nếu lạm phát tăng không phải là nhất thời, điều đó có thể buộc ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất sớm hơn dự kiến ​​để cố gắng kiềm chế giá tăng quá nhiều.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ, sẽ được công bố vào thứ Tư tuần tới (13/10), sẽ cho thấy một số manh mối về những yếu tố đẩy lạm phát của Mỹ tăng.

Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 9 sẽ tăng tương đương như tháng 8, vào khoảng 0,3% so với tháng liền trước.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Barclays dự báo "lạm phát hàng hóa cốt lõi sẽ tiếp tục tăng vượt mức so với các chỉ tiêu do các ngành sản xuất đang phải chật vật để theo kịp nhu cầu và để khôi phục lượng dự trữ", và "Sự căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ cần thêm một thời gian nữa để giải tỏa".

Mặc dù giá ô tô đã qua sử dụng – nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát cao trong những tháng trước - đã giảm xuống, nhưng chi phí vận chuyển quốc tế vẫn ở mức cao. Giá năng lượng, có thể thúc đẩy lạm phát ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, cũng đã tăng kể từ giữa tháng Chín. CPI cốt lõi, loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, dễ biến động vượt ra khỏi các dự tính, và trong những tháng tới dự kiến sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu giá năng lượng tăng khiến chi phí sản xuất tăng theo.

Giá năng lượng tuần này tăng càng làm gia tăng dự đoán lạm phát sẽ vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 5.

Cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu giảm bớt

Với việc nhu cầu trên toàn thế giới đồng loạt hồi phục khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại sau giai đoạn trì trệ kéo dài suốt thời gian đại dịch, kết hợp với việc OPEC+ tuyên bố tiếp tục duy trì kế hoạch nâng lãi suất đã đưa ra từ nhiều tháng trước, và Chính phủ Mỹ thông báo đang theo dõi thị trường năng lượng chứ chưa công bố hành động ngay lập tức để hạ nhiệt giá dầu, khả năng giá dầu sớm giảm ít có thể xảy ra.

John Kilduff, đồng sở hữu công ty Again Capital ở New York, cho biết: "Bối cảnh cơ bản (của thị trường dầu) là nguồn cung khan hiếm sẽ tiếp tục đẩy giá tăng hơn nữa một cách đều đặn".

Đó là chưa kể tới việc thị trường năng lượng bị thắt chặt nguồn cung và nhu cầu nhiên liệu cải thiện đúng lúc mùa đông sắp đến gần. Nếu mùa đông năm nay lạnh giá hơn bình thường thì tình trạng căng thẳng nguồn cung khí đốt sẽ càng nghiêm trọng.

Việc giá dầu tăng như hiện tại đã khích lệ một số người sử dụng khí chuyển sang sử dụng dầu trong sản xuất điện.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Eikon, giá khí đốt tham chiếu của châu Âu - tại trung tâm TTF của Hà Lan – hôm 8/10 tương đương giá dầu thô ở mức khoảng 200 USD/thùng, dựa trên giá trị tương đối về năng lượng cung cấp.

"Khi giá các năng lượng khác như khí đốt tự nhiên và than đá tiếp tục bị đẩy tăng lên, rủi ro tăng giá đối với thị trường dầu mỏ đã bắt đầu hình thành", chuyên gia Christopher Kuplent của Bank of America cho biết.

ANZ cũng nhận định: "Việc tăng tốc chuyển đổi từ khí sang dầu có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô trong sản xuất điện vào mùa đông sắp tới ở Bán cầu Bắc." ANZ đã nâng mức dự báo về nhu cầu dầu thô quý 4 năm 2021 thêm 450.000 thùng/ngày so với dự báo trước đây.

(Theo Ft, Marketwatch, Reuters, Nhịp sống kinh tế)

Cảnh báo đáng sợ, giá dầu lên đến 100 USD/thùng

Cảnh báo đáng sợ, giá dầu lên đến 100 USD/thùng

Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục trong những ngày gần đây. Các chuyên gia dự báo, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng khi mùa đông đến.