Gần đây, một số ý kiến của chuyên gia nghiên cứu cho rằng dòng lan đột biến bằng phương pháp nuôi cấy mô (Invitro) về bản chất không khác và còn có ưu điểm hơn lan tách kie (mầm con) về sức sống nên việc nhân giống không đến nỗi quá khó khăn đã gây nên nhiều tranh cãi trong thị trường lan. Là một người đã có 10 năm kinh nghiệm về nuôi, trồng loài hoa cảnh này, quan điểm của anh về điều này thế nào?

Phân tích sâu một chút, mọi người có thể nhận thấy, đã nhiều năm qua người ta cố gắng nuôi cấy mô (Invitro) của lan đột biến để có thể ra được một mặt bông giống ngoài tự nhiên nhưng chưa thành công. Trên thị trường, cũng từng có nhiều người nói là nuôi cấy mô được một số dòng đột biến, điển hình như “5 cánh trắng Phú Thọ” nhưng sau 2 năm lại xổ ra mặt hoa hoàn toàn khác.

Ở nước ngoài, tôi nghe nói Thái Lan có phát triển mô hình nuôi cấy mô lan đột biến và đã cho ra một số mặt hoa có giá trị kinh tế. Tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng.

Nhỡ việc nuôi cấy lan đột biến bằng mô ở nước ngoài thành công và xâm nhập về Việt Nam thì sao?

Đúng là vừa rồi có một số luồng thông tin nói về việc lan đột biến từ thị trường ngoài nước xâm nhập vào Việt Nam. Nhưng mà đấy chỉ là thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng. Nhiều “anh lớn” trong giới chơi lan đột biến khẳng định đó chỉ là lời đồn. Thậm chí, truyền thông cũng đã có nhiều bài viết xác nhận rằng những thông tin đó không có cơ sở vì nếu đúng thì thị trường lan đột biến trong nước đã không còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Những tranh cãi giữa lan đột biến tự nhiên và hàng cấy mô tựu chung lại cũng chỉ vì sự chênh lệch quá xa về giá trị trên thị trường, anh cho rằng đâu là yếu tố tạo nên sự khác biệt này?

{keywords}
Anh Biên trong vườn lan đột biến "khủng" trong nội thành Hà Nội của mình.

Đơn giản là vì lan đột biến tự nhiên nó đẹp, hiếm, độc và lạ. Giống như 1 cô gái, không chỉ xinh mà còn phải có tài, đức, và sự nết na. Cây lan cũng vậy, chúng tôi chơi dòng này theo mặt bông, trong đó bông phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố về khuôn cánh, mắt, mũi,…Khi đạt được các chỉ số đó thì nó mới được công nhận là một bông hoa đẹp và có giá trị. Với những người chăm sóc lan thì chỉ cần dùng mắt thường cũng nhận ra ngay sự khác biệt giữa thân, lá và nhất là mặt hoa của dòng nuôi cấy mô và cây ngoài tự nhiên.

Anh chắc hẳn biết về thương vụ mua bán chậu lan đột biến tên Juliet có giá 90 tỷ đồng mà thiên hạ bàn tán gần đây?

Tôi có nắm thông tin và cũng may mắn biết được đôi điều về người chủ sở hữu hiện tại.

Anh đánh giá thế nào về con số 90 tỷ đồng cho một giò lan?

Ở góc độ kinh nghiệm của một người đã chơi, trồng và nhân giống không ít lan đột biến, tôi khẳng định con số 90 tỷ đồng không có gì là kinh khủng cả.

Đầu tiên, chậu lan đột biến tên Juliet đã nở hoa đến mấy mùa và chứng minh rằng mặt hoa rất đẹp và ổn định. Do đó nó được công nhận là một mặt bông đẹp nên có giá trị kinh tế cao, nếu theo giá thị trường bây giờ là vài tỷ đồng một kie.

Thứ hai và quan trọng nhất là trong thương vụ này, người ta mua theo kiểu bứt gốc, nghĩa là 90 tỷ đồng cho cả một giò lan. Mà như hình ảnh các bạn đã thấy, trên thân cây lan ấy có không biết bao nhiêu kie nên chỉ cần tính nhẩm cũng thấy số tiền 90 tỷ đồng cho cả một thân lan giá trị như vậy là chuyện bình thường.

{keywords}
Chậu Juliet có giá gần 90 tỷ đồng.

Mặc dù đang “sốt” nhưng nhiều người nghĩ xa lại sợ rằng thị trường lan đột biến sẽ đi theo vết xe cũ của trào lưu chơi cây xanh ở một số địa phương, nhất là Hưng Yên cách đây vài năm. Anh có bao giờ băn khoăn về điều này không?

Phải nói thẳng rằng trên mọi thị trường, luôn luôn có yếu tố đầu cơ đứng sau để đẩy giá, điển hình là thị trường chơi cây xanh rộ lên vài năm trước. Tuy nhiên nếu chơi cây xanh phải phụ thuộc vào một số yếu tối như nhà có không gian rộng mới chơi được và để có 1 sản phẩm đẹp thì cần có thời gian trồng, chăm sóc, tạo thế nhiều năm.

Trong khi đó, với lan đột biến thì mọi người chủ yếu là chơi mặt hoa và cũng không phải mất quá nhiều không gian và công sức chăm bẵm như cây xanh. Do đó có thể thấy vì sao mốt chơi cây xanh lại không phù hợp và dần kén người chơi. Mặc dù đến bây giờ một số cây xanh có thế đẹp vẫn rất đắt giá giá nhưng không lên đến đỉnh điểm như thời gian trước. Bởi khi đã qua giai đoạn bị đầu cơ thì thị trường sẽ trở về giá trị thực của nó.

Vài năm trước dòng lan đột biến Phú Thọ rất đắt nhưng bây giờ đã về giá thật là 4 -5 triệu/1 kie. Nhưng sang năm, kie đó phát triển thành cây rồi sinh ra nhiều kie giống, chủ sở hữu có thể hồi vốn bằng cách bán các kie giống. Do đó người chơi lan sẽ không bao giờ bị sập hẳn khi giá thị trường biến đổi giống như việc chơi cây xanh.

Ví dụ, hiện tại tôi có một số mặt bông mua với giá 10 triệu đồng/1 cây, sang năm cây lớn, sinh ra nhiều kie con thì tôi có thể bán 1 triệu đồng/ 1 kie để lấy lại vốn, chưa kể lợi nhuận nếu bán được nhiều kie hơn. Do đó tôi không lo lắng việc thị trường lan đột biến “dẫm lại vết chân” của thú chơi cây xanh.

{keywords}
 

Anh nói thị trường nào cũng có yếu tố đầu cơ, với lan đột biến thì việc này biểu hiện như thế nào?

Đúng là trong giới chơi lan đột biến, không thể tránh khỏi việc xuất hiện những người đầu cơ, nghĩa là họ “lái giá” thị trường. Nếu để ý sẽ thấy, trong một thời điểm nào đó, giá một số dòng lan bị “chững” lại, đồng thời xuất hiện nhiều thông tin trái chiều như mặt hoa đó nở không ổn định, mũi trắng không sạch. Khi đó, người chơi hoang mang và bán tháo ra thì sẽ có người đi thu, mua về để lấy số lượng. Sau đó 1 thời gian, họ lại đưa ra thị trường một mặt hoa đẹp của dòng lan nói trên, lúc đó giá của nó lại “nóng” trở lại.

Chẳng hạn đầu năm vừa rồi, bạn tôi bán cây “Bạch trà” 40 cm với giá 40 triệu nhưng tôi không mua vì chơi lan là theo mốt, thời điểm đó dòng này đang bị xuống giá nên mọi người hầu hết đều bán tháo ra. Nhưng cách đây khoảng 3 tháng, tự dưng có một “anh lớn” công bố ra một mặt hoa “Bạch trà” đẹp và hiện giờ dòng này lại ở ngưỡng 300 triệu đồng/1 kie.

Có thể thấy vài năm gần đây, đặc biệt là qua đợt giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 vừa rồi, mô hình chơi lan đột biến trở nên “sốt” hơn bao giờ. Có lẽ vì thị trường này ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch giống như nhiều cơ sở và mô hình kinh doanh khác. Bởi mọi người có thời gian ở nhà để chăm sóc cây hơn mà nếu cây không bán được thì nó lớn lên, lại nhân được nhiều giống hơn, do đó nếu tôi có bán một kie lan đột biến rẻ hơn 1 nửa so với giá thị trường thì vẫn thu lợi.

Do đó, nhiều thành phần nhận thấy đây là thị trường có lợi nhuận cao nên xây dựng thương hiệu cá nhân trong giới rồi một thời gian sau lại bán theo kiểu lừa đảo, khiến những người mới chơi, ham rẻ nhưng lại muốn có sản phẩm tốt bị lừa. Mà với dòng lan đột biến, rất khó để biết được mình bị lừa ngay bởi vì moị người chủ yếu mua theo cảm tính, dựa vào uy tín của người bán bởi sau thời gian dài cây mới trổ mặt hoa để kiểm định...

(Theo Tiền Phong)