{keywords}
Các cụ già ở Triều Khúc cho rằng, nghề có từ mấy trăm năm trước. 

Suốt mấy trăm năm, nghề có lúc thăng lúc trầm, nhưng để nghề “ở lại với làng” thì cơ man những chuyện vui – buồn khó kể.

Triều Khúc nguyên là một ngôi làng cổ có tên Kẻ Đơ. Những dấu tích trên gò Cây Táo trên cánh đồng Miễu đã minh chứng cho một vùng đất trù phú từ thời cổ xưa. “Ai làm ra nón quai thao, để cho anh thấy cô nào cũng xinh” là câu ca phát xuất từ ngôi làng này bởi nghề dệt nón quai thao.

Nhưng nghề ấy, kể cũng còn là mới hơn so với nghề lông gà lông vịt. Người Triều Khúc đi khắp nơi thu lượm, và từ đó làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Bài ca Nôm ký có tên “Ấp tử giáo Hồng” với 36 câu mộc mạc mà phác họa ra 34 sản phẩm của làng từ nghề này. Cái câu “bách nghệ trăm nghề” cũng là ứng với làng Triều Khúc bởi sự khéo tay hay làm và sáng tạo bắt nguồn từ cụ tổ nghề Vũ Úy.

Tung hoành thiên hạ

{keywords}
Giá mỗi chiếc chổi dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn.

Cụ Nguyễn Đề, 85 tuổi là một trong những người làm chổi lông gà có tiếng ở Triều Khúc bảo rằng, làm nghề này không phải là cứ quẩn quanh một chỗ. Thời xưa, những ngày nhàn rảnh người trong làng cũng tung hoành khắp thiên hạ thu lượm lông gà lông vịt.

“Ai lông gà lông vịt, bán đê” là câu cửa miệng của người Triều Khúc. Từ nghề làm chổi lông gà, đã hình thành hẳn một nghề mới gọi là “đồng nát lông”. Tên này để phân biệt với nghề đồng nát nói chung, và “đồng nát lông” chỉ thu mua lông gà lông vịt với số lượng càng nhiều càng tốt.

{keywords}
Hiện nay còn rất ít gia đình giữ được nghề làm chổi lông gà.

Từ đó, xuất hiện những thương lái chuyên nghiệp. Có người trở thành những tổng đại lý chuyên cung cấp lông gà các loại. Lại có những người xây dựng các đầu mối thu mua ở các tỉnh, các vùng miền. Bởi vậy đã có thời, người ta đặt câu hỏi người Triều Khúc thu mua lông gà lông vịt với số lượng khổng lồ như thế để làm gì? Người thì giải thích bán sang Tây sang Tàu, người biết thì trả lời đơn giản là làm chổi.

“Có những thời điểm, 1/3 người trong làng túa đi các nơi tìm mua lông gà. Bởi khi ấy, những vùng lân cận không còn nhiều nên chúng tôi phải đi xa. Sau này, những người làm nghề đồng nát ở các vùng quê khi được chúng tôi đặt mối thì họ mới đi thu mua và bán lại”, cụ Đề cho hay.

Vậy là, nghề làm chổi lông gà dần trở thành chuyên nghiệp. Người trong làng chỉ còn hai đến ba việc để làm. Một là lựa lông mao lông vũ rồi cho khô, hai là xâu các đầu mối lông lại và cuốn chổi, ba là đem đi bán. Riêng khoản đầu ra, rất hiếm người Triều Khúc phải đem rao bán, vì việc ấy đã có những người làng khác đến lấy hàng đem đi tiêu thụ.

Bí kíp chổi lông gà

{keywords}
Người thợ khéo léo sâu các ống lông với nhau.

Bà Dương Thị Nghĩa, người có kinh nghiệm 50 năm làm chổi lông gà ở Triều Khúc, cho biết: “Làm chổi lông gà không như làm các loại chổi khác. Chổi lông gà rất đặc trưng nên cũng phức tạp, mất nhiều công mới ra được sản phẩm hoàn hảo. Nhiều nhà ở làng này đúc rút được những bí quyết để chổi vừa đẹp, vừa bền”.

Một người thợ làm chổi lông gà được coi là giỏi phải thành thạo các khâu, các bước. Đầu tiên là việc chọn lựa loại lông sao cho phù hợp. Khi đã có lông gà, người thợ phải lựa ra đâu là lông cánh, lông đuôi, lông nhất, lông nhì, lông kim, lông lưng… để làm các loại chổi khác nhau.

“Thường thì không ai làm chổi lông gà theo kiểu “làm tất ăn cả” từ đầu đến cuối được. Ở làng tôi, phân chia rất hợp lý, người thì đi thu mua, người thì chọn lựa xâu lông vào từng dây, người thì cuốn, người thì bán. Làm như vậy mới chuyên sâu được và mới có hiệu quả”, bà Nghĩa bật mí.

Một ngày làm việc của bà Nghĩa bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng. Những rổ lông gà hỗn tạp được bà chọn ra từng loại, sắp thành từng bó nhỏ như nắm tay. Cả buổi chiều cho đến 10 giờ đêm là thời gian bà dùng kim chỉ xâu từng chiếc lông gà lại thành những dây dài vài mét. Những chiếc lông kim nhỏ tí cũng được đôi tay thoăn thoắt của bà Nghĩa xâu lại, trông rất tài tình.

Những dây lông gà được phơi khô trên dây thép hoặc đem lên ban công thả xuống. Sau khoảng vài nắng, lông khô thì chuyển cho một hộ gia đình khác chuyên cuốn chổi. Chị Nguyệt, nhà ở xóm Chùa vẫn còn làm nghề này. Chị bảo rằng, gia đình đã 6 đời làm nghề nên những kỹ thuật thành thạo như một thói quen. Đầu tiên, chị Nguyệt cắt cây mây ra từng đoạn dài ngắn tùy theo kiểu chổi có tay dài hoặc ngắn.

Tay chổi phất trần lớn để quét mạng nhện và bụi trên tường vách trần nhà thì làm bằng cây tre, trúc hay tầm vông nhỏ. Sau đó, chị lấy nhựa đường nấu cho chảy ra. Lấy bút lông phết một lượt nhựa lên hai phần ba tay cầm. Đoạn bắt đầu buộc chặt một đầu dây của lông gà vào đầu tay mây rồi quấn theo hình xoáy trôn ốc.

“Quấn phải biết chặt tay và đều chỉ thì chổi mới bền và đều lông. Cách phết nhựa lên dây cũng phải làm sao cho khéo để dây và cán chổi “ăn” vào nhau từ đầu cho đến khi kín hai phần ba chiều dài tay chổi. Tùy theo loại chổi, sau khi quấn hết dây lông thì phết lần nhựa cuối cùng và có thể lấy một miếng giấy đỏ mà quấn lên cho đẹp mắt”, chị Nguyệt cho biết.

Mỗi ngày, nếu chỉ ngồi cuốn chổi, phết nhựa thì chị Nguyệt có thể hoàn thành hơn chục chiếc. Còn nếu một người lành nghề làm từ đầu đến cuối thì giỏi lắm cũng chỉ có thể làm được hai chiếc mà thôi.

Lông gà thời hội nhập

{keywords}
Làm chổi lông gà là một nghề cổ của Triều Khúc.

Ông Đặng Ngọc Quyền, Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: Cùng với nghề dệt nón quai thao và nghề phế liệu thì làm chổi lông gà cũng là một nghề cổ, có từ lâu đời. Hiện nay thì không còn nhiều gia đình theo nghề này, nhưng trong quá khứ đó là thứ nghề đã nuôi sống biết bao gia đình, và cũng là nghề làm vẻ vang mảnh đất Triều Khúc.

Theo thống kê, cả làng Triều Khúc bây giờ còn khoảng hơn chục gia đình vẫn theo nghề cuốn chổi lông gà. Kéo theo đó là khoảng vài chục gia đình khác làm các khâu liên quan như thu mua, xâu lông gà và đổ mối hàng hoặc mở đại lý ở các nơi.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt có lẽ là 1 trong 2 người cuối cùng của Triều Khúc vẫn giữ chiếc xe đạp hàng rong đi bán chổi lông gà. Chị bảo rằng, ngày trước bán dễ vì nhu cầu nhiều; giờ bán khó hơn vì bị các loại chổi nhựa cạnh tranh. Chổi nhựa bền mà giá thành lại rẻ, trong khi chổi lông gà dễ hỏng mà giá cao.

“Một chiếc chổi lông đuôi gà đẹp nhất có giá 400 nghìn đồng. Sau đó là chổi lông kim, lông lưng có giá từ 200 – 300 nghìn/chiếc. Rẻ nhất là loại chổi lông cánh dùng để quét mạng nhện, giá chỉ vài ba chục nghìn mà thôi. Ngày nào may mắn lắm thì bán được 5 chiếc, ngày đen đủi thì chẳng ai mua”, chị Nguyệt cho biết.

Vì ít bán được hàng nên mỗi khi đi hàng rong, chị Nguyệt lại mang theo một đùm lông gà. Trong những lúc nghỉ bên vệ đường, chị tranh thủ lôi đùm lông gà ra xâu lại với nhau thành từng dây để bán cho các nhà cuốn chổi. Nhưng rồi, chị chép miệng: “Chẳng biết dăm năm nữa có ai còn tha thiết gì với chổi lông gà không. Tôi cũng không mong theo nghề này nữa, nhưng trước mắt thì chưa có nghề nào để làm”.

Cùng với nghề tái chế nhựa, tập kết đồng nát thì nghề làm chổi lông gà ở Triều Khúc cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường khá nặng nề. Tuy địa phương đã có khu cụm làng nghề, nhưng bà con lại không đủ kinh phí để chuyển ra sản xuất tách biệt khu dân cư. 

(Theo Giáo Dục và Thời Đại)